Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với bệnh viêm cơ tim khi giao mùa

Thu Trang| 20/03/2023 06:21

(HNM) - Khi giao mùa như hiện nay, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Khi bị nhiễm vi rút, vi khuẩn, người bệnh cần cảnh giác với biến chứng viêm cơ tim. Đây là bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong và di chứng cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu bệnh nhân bị viêm cơ tim. Ảnh: Tất Thành

Từ sốt nhẹ dẫn đến viêm cơ tim, suy tim

Ba ngày trước khi phải nhập viện, chị N.T.T (22 tuổi ở Hà Nội) có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, mỏi cơ, sau đó khó thở, đau tức ngực tăng dần. Tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108, các bác sĩ chẩn đoán, đây là trường hợp viêm cơ tim, nên đã chuyển nữ bệnh nhân này đến Khoa Hồi sức tim mạch điều trị. Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim tiếp tục tiến triển nhanh, kèm theo rối loạn nhịp thất phức tạp, dẫn tới suy tim, sốc tim. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Đây là chỉ định bắt buộc để cứu sống những bệnh nhân viêm cơ tim có các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân 18 tuổi bị sốt, đau thượng vị, đầy bụng. Ban đầu, bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật. Tại đây, qua thăm khám, bác sĩ tiêu hóa nghi ngờ bệnh nhân bị viêm cơ tim, nên đã chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực. May mắn, bệnh nhân được cứu chữa kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viêm cơ tim là một bệnh cấp tính do nhiều nguyên nhân như vi rút, vi khuẩn, nhiễm trùng... Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của bệnh không điển hình. Khởi đầu bệnh nhân thường có các triệu chứng giống nhiễm vi rút như: Hắt hơi, sổ mũi, mệt, sốt, nhịp tim nhanh… nên dễ bị bỏ qua. Thậm chí, một số trường hợp còn có biểu hiện đau tức thượng vị, đầy bụng khó tiêu... khiến người bệnh có thể nghĩ đến bệnh về tiêu hóa và đi khám chuyên khoa tiêu hóa.

Viêm cơ tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ (từ 20 đến 40 tuổi). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội) lưu ý, viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch. Nhiều bệnh nhân tự khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề cho tim, thậm chí là tử vong. Trong khi đó, phát hiện ra viêm cơ tim ở giai đoạn sớm rất khó. Bởi vì khi bệnh nhân bị viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

“Biến chứng của viêm cơ tim thường rất nặng, như: Suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim, đột tử. Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập (ngừng tim đột ngột) và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ở người trẻ tuổi, bệnh viêm cơ tim chiếm tới 20% trong số các nguyên nhân gây đột tử”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải cảnh báo.

Chú ý các biểu hiện của bệnh

Viêm cơ tim vốn không phải bệnh tim phổ biến, thông thường các trường hợp mắc bệnh hay rơi vào lúc chuyển mùa, nhất là ở những người có sức đề kháng kém sau khi bị cảm cúm, ho, sốt vài ngày… Qua các xét nghiệm cần thiết như điện tim, siêu âm tim, chụp mạch vành mới xác định được bệnh viêm cơ tim, nhưng triệu chứng điển hình vẫn là bị suy tim cấp như đau ngực, khó thở. Hiện, tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao (chiếm khoảng 30-40%). Trước khi có kỹ thuật ECMO, trường hợp viêm cơ tim tối cấp có tỷ lệ tử vong gần 100%. Ngày nay, nhờ kỹ thuật ECMO, các bác sĩ có thể hy vọng cứu sống nhiều trường hợp viêm cơ tim tối cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thông tin, viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc vào thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Song, dù là thể bệnh nào, viêm cơ tim cũng có 3 biểu hiện chính, gồm: Suy tim, tim không đủ khả năng bơm máu khiến cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, vận động hạn chế, phù chân, khó thở liên tục hoặc khó thở khi vận động, khi nằm nghỉ; đau ngực; rối loạn nhịp tim khiến tim đập nhanh hoặc bỏ nhịp. Khi có các biểu hiện trên, người dân nên tới gặp các bác sĩ hoặc đến khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

“Bệnh viêm cơ tim có thể tái phát sau vài năm (chiếm khoảng 10-15%). Vì vậy, sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tái khám sức khỏe định kỳ và cố gắng đến theo hẹn của bác sĩ, cho dù cảm thấy sức khỏe đã hoàn toàn bình thường. Cùng với đó, tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ khi ra viện. Ngoài ra, người bệnh không nên chơi thể thao hoặc vận động, lao động gắng sức cho đến khi bác sĩ cho phép. Bệnh nhân cần hạn chế muối trong chế độ ăn uống của mình. Ngừng sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe như: Thuốc lá, rượu, bia, chè, cà phê… trong khi đang theo dõi hậu viêm cơ tim”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với bệnh viêm cơ tim khi giao mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.