(HNM) - Hơn một năm, kể từ ngày 17-12-2010, những bất ổn chính trị ở Bắc Phi - Trung Đông vẫn chưa thể đi vào hồi kết. Được đặt với tên gọi mỹ miều: "Mùa xuân Arab", nhưng những gì mà "mùa xuân" ấy quét qua với làn sóng bạo động, biểu tình lật đổ chế độ đã làm thay đổi sâu sắc toàn bộ khu vực.
Không phải ngẫu nhiên, nhiều trang mạng, tờ báo danh tiếng lớn trên thế giới khi đánh giá những biến động của thế giới năm 2011 đều xếp sự kiện này ở vị trí số 1.
Những người phụ nữ Arab vẽ lên tay mình lá cờ của các nước Syria, Tunisia, Yemen, Ai Cập và Libya để cầu mong sự an lành đến các khu vực này trong năm mới. |
Khó ai có thể nghĩ việc tự thiêu vào ngày 17-12-2010, của người bán hàng rong ở Tunisia tên là Mohamed el-Bouzazi, để phản đối sự ngược đãi của quan chức địa phương, lại châm ngòi cho các cuộc bạo loạn trên khắp cả nước, những người biểu tình công khai tấn công lực lượng chính phủ. Tình hình xã hội, chính trị xấu đi một cách nhanh chóng cuối cùng đã buộc Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải kết thúc 23 năm cầm quyền và trốn ra nước ngoài. Sự ra đi của ông Zine El Abidine Ben Ali đã kích thích các cuộc xuống đường đòi dân chủ và thay đổi chế độ tại một loạt các quốc gia khác ở Trung Đông, Bắc Phi. Tính từ thời điểm ngày 17-12-2010, chưa đầy 100 ngày sau, "Mùa xuân Arab" đã lan rộng sang gần như tất cả 22 nước trong khu vực. Người dân xuống đường biểu tình để bày tỏ sự tức giận trước những khó khăn kinh tế, sự bất bình đẳng xã hội, các cuộc xung đột tôn giáo... Cơn địa chấn chính trị - xã hội này đã khiến một loạt chính phủ như Ai Cập, Yemen, Libya, Bahrain... tồn tại hàng chục năm bị sụp đổ một cách nhanh chóng. Đặc biệt, từ ngày 19-3 đến 31-10, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai chiến dịch không kích Libya, giúp Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya lật đổ chế độ và giết hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Tuy nhiên, cái chết của nhà lãnh đạo này vẫn chưa phải là hồi kết cho những bất ổn ở khu vực này. Ở bốn nước có sự thay đổi thể chế chính trị (Tunisia, Yemen, Ai Cập, Libya), chính quyền mới đang phải giải quyết hàng loạt khó khăn như kinh tế ngưng trệ, nội bộ xã hội bị phân hóa, đấu tranh quyền lực vẫn rất quyết liệt. Sự thắng thế của các lực lượng Hồi giáo tác động trực tiếp tới quan hệ ngoại giao của các nước này. Một thời kỳ lịch sử mới đã mở ra nhưng nền dân chủ, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thực sự vẫn còn xa.
Trong khi đó, cơn địa chấn bất ổn vẫn đang đe dọa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad. Áp lực của lực lượng chống đối và sức ép bên ngoài cũng ngày càng lớn khiến tình hình thêm rối ren chưa có được giải pháp hữu hiệu. Phe nổi dậy đang áp dụng kịch bản như tại Libya với mong muốn thu hút sự chú ý và can thiệp của phương Tây. Liên đoàn Arab (AL) và phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang gây áp lực lên chính quyền Damascus bằng việc tạm thời đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong AL và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế. Chính điều này đã và đang khiến dư luận lo ngại Syria lâm vào cuộc nội chiến toàn diện.
Tại các nước khác như Barain, Jordan, Kuwait, Oman, Morocco, Algeria... các cuộc nổi dậy cũng đang âm ỉ. Iran cũng đang phải chống chọi với sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài. Trong khi đó, hòa bình cho Trung Đông vẫn "dậm chân tại chỗ". Những chuỗi sự kiện này đang làm khu vực Bắc Phi - Trung Đông thay đổi sâu sắc mà chiều hướng của nó không nhận được sự háo hức đợi chờ của người dân trước thềm năm mới.
"Mùa xuân Arab" đã mở ra kỷ nguyên mới đầy biến động cho khu vực. Nó đã làm thay đổi tương quan lực lượng, định hình lại địa chính trị khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Đơn cử từ tình hình Libya đã cho thấy, sự can dự mạnh mẽ, sâu rộng của các nước phương Tây để tạo ra một chính phủ mới chịu nhiều ảnh hưởng. Chiêu bài biểu tình, bạo động để lật đổ chế độ là phương thức mà phương Tây nhào nặn khiến khu vực vốn giàu tài nguyên này không bình yên, phục vụ cho những toan tính riêng rẽ. Nạn nhân của tình trạng này, không ai khác chính là những thường dân vô tội.
Năm mới đang đến, nhưng từ tình hình hiện tại, chắc chắn, Bắc Phi - Trung Đông vẫn còn ngổn ngang trăm mối với những khó khăn chất chồng không dễ sớm giải quyết. Đó là những thách thức lớn đối với các chính thể mới cũng như cũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.