Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14/7 tại Hà Nội, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.
Nguời Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Trả lời câu của phóng viên TTXVN đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International ra báo cáo về tình hình trại giam ở Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là sai sự thật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế. Là thành viên của 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước chống tra tấn, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thúc đẩy các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.
Thông tin về một số nội dung chính được nêu trong Tuyên bố Bộ Ngoại giao của Việt Nam gửi Tòa Trọng tài ngày 5/12/2014, Người Phát ngôn nêu rõ: Ngày 5/12/2014, Việt Nam có gửi Tuyên bố của Bộ Ngoại giao đến Tòa Trọng tài. Nội dung được tóm tắt như sau: Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước. Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng, khách quan. Việt Nam đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền, lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước tiếp theo để bảo vệ các quyền, lợi ích quốc gia.
Đề nghị cho biết phản ứng trước thông tin cho rằng ASEAN sẽ không ra Tuyên bố chung trước phán quyết của Tòa Trọng tài, người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Như chúng ta đều biết, lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nêu cao vai trò đoàn kết cũng như trung tâm của ASEAN trong việc nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác với các đối tác”.
Thông tin về việc Hải quân Thái Lan nổ súng vào tàu cá của ngư dân tỉnh Bến Tre, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, ngư dân Tô Hồng Ngọc (người được cho là mất tích) đã về đến địa phương an toàn. Trước đó, phía Việt Nam đã sát sao đề nghị Thái Lan tìm kiếm ngư dân này. Chiều 13/7/2016, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok thông báo cho phía Thái Lan để nghỉ việc tìm kiếm. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vẫn đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Thái Lan để làm rõ các thông tin liên quan khác đồng thời tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ bảo hộ đối với công dân Việt Nam.
Về đề nghị cho biết Việt Nam chuẩn bị những chính sách tăng cường bảo vệ ngư dân khai thác trên Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài có phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn có những biện pháp hỗ trợ giúp đỡ ngư dân Việt Nam bám biển và duy trì việc đánh bắt thường xuyên tại các ngư trường truyền thống từ bao đời nay của Việt Nam.
Đề nghị cho biết phản ứng về việc ngày 12/7 vừa qua Trung Quốc đã tuyên bố ngang nhiên thực hiện thành công việc hạ cánh máy bay dân sự xuống các sân bay ở Vành Khăn và Xu Bi của quần đảo Trường Sa và trước đó ngày 11/7, Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành 4 hải đăng và động thổ thêm hải đăng thứ 5 trên các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp phản đối của Việt Nam và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, là phi pháp và không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng đã thông tin một số hoạt động đối ngoại trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.