Nông nghiệp - Nông thôn

Ba Vì: Trách nhiệm, nghĩa tình trong đợt ngập úng lịch sử

Bạch Thanh 13/09/2024 20:01

Trong những ngày ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trách nhiệm của chính quyền và nghĩa đồng bào trên địa bàn huyện Ba Vì được thể hiện rõ nét, khiến thiệt hại, khó khăn của bà con được vơi bớt...

Đợt lũ lụt vừa qua, huyện Ba Vì không chỉ huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản, thu hoạch mùa màng..., chính quyền, đoàn thể địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhà trường tổ chức chỗ ăn, ở miễn phí cho học sinh vùng ngập lụt.

Đời sống người dân dần ổn định

Ngày 13-9, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo, cận nghèo ở 2 thôn của xã Cam Thượng bị ngập nước do ảnh hưởng bão số 3.

Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì, trong những ngày qua, lực lượng chức năng trên địa bàn đã nỗ lực cùng người dân vượt qua khó khăn. Nhờ đó, tính mạng nhân dân toàn huyện được an toàn và tránh được sự cố lớn về đê điều.

ngap-ung-ba-vi3.jpg
Trong ngày 13-9, dù thời tiết có nắng nhẹ, nhưng tại nhiều khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn bị ngập sâu. Ảnh: TTVHTT&TT Ba Vì

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cũng đã tới kiểm tra, động viên người dân xã Cam Thượng - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo cấp phát 60 áo phao, 1 xuồng máy hỗ trợ nhân dân đi lại...

ngap-ung-ba-vi2.jpg
Dù không còn mưa, song ở nhiều khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn bị ngập sâu. Ảnh: TTVHTT&TT Ba Vì

Chủ tịch UBND xã Vật Lại Nguyễn Ngọc Tú cho biết, tình trạng ngập úng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 3 thôn của xã. Nhiều khu vực nội đồng và dân cư bị ngập sâu, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp...

Ông Đặng Tiến Đoàn, ở thôn Vật Lại 1, xã Vật Lại chia sẻ: "Nước lên quá nhanh khiến việc di chuyển đàn lợn của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Song, nhờ sự giúp đỡ kịp thời của lực lượng chức năng, gia đình tôi bảo vệ được đàn lợn, tránh thiệt hại lớn".

ngap-ung-ba-vi-van-thang.jpg
Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản tại xã Vạn Thắng vẫn bị ngập sâu. Ảnh: Sơn Tùng

Còn theo Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt, xã đảo đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương. Nhiều cuộc họp trực tuyến diễn ra trong đêm muộn để triển khai phương án di dời người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp, đời sống người dân tuy xáo trộn, nhưng bảo đảm an toàn, trật tự, không xảy ra bất ổn.

ngap-ung-ba-vi7.jpg
Huyện Ba Vì huy động các lực lượng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các thôn bị ngập sâu. Ảnh: Sơn Tùng.

Cả cộng đồng chung tay

Trước tình hình mưa lũ kéo dài, cả hệ thống chính trị huyện Ba Vì đã nhanh chóng vào cuộc cùng người dân vượt qua khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhà hảo tâm trên địa bàn phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", quyên góp hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ. Huyện đã tặng hàng trăm suất quà cho các hộ khó khăn ở các xã bị ngập úng nặng.

ngap-ung-ba-vi6.jpg
Lực lượng Công an huyện Ba Vì hỗ trợ thu hoạch lúa giúp nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Công an huyện Ba Vì.

Lực lượng Công an và thanh niên tình nguyện cũng đóng góp tích cực, giúp đỡ nông dân thu hoạch mùa màng, di dời tài sản, vật nuôi khỏi vùng bị ngập. Huyện đoàn Ba Vì thành lập Đội tình nguyện với 200 thành viên tập trung hỗ trợ người dân 2 xã: Vật Lại, Cổ Đô thu hoạch lúa, di dời tài sản... Đội Thanh tra giao thông huyện đã phối hợp với lực lượng địa phương phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân qua lại các khu vực bị ngập úng.

"Chúng tôi đã nỗ lực để cùng chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân di dời tài sản, bảo đảm an toàn giao thông", Trung tá Nguyễn Văn Công, Trưởng Công an xã Vật Lại chia sẻ.

de-ba-vi.jpg
Lãnh đạo huyện Ba Vì kiểm tra sự cố đê trên địa bàn. Ảnh: Sơn Tùng

Do nước sông Hồng và sông Đà dâng cao, UBND huyện Ba Vì quyết định tạm dừng hoạt động 2 bến đò tại xã Chu Minh và xã Minh Châu, khiến sinh hoạt của người dân và học tập của học sinh ở các địa phương này gặp nhiều khó khăn. Trường THPT Trần Phú - Ba Vì đã chủ động tiếp nhận, hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho gần 100 học sinh xã Minh Châu; đồng thời, huy động giáo viên dọn dẹp, sẵn sàng cơ sở vật chất đón học sinh.

ngap-ung-ba-vi-5.jpg
Lãnh đạo huyện Ba Vì kiểm tra tình hình ngập úng tại xã Cam Thượng. Ảnh: TTVHTT&TT Ba Vì

Tương tự, Trường THPT Lương Thế Vinh - Ba Vì cũng tổ chức chỗ ở nội trú cho học sinh từ tỉnh Phú Thọ, khi cầu Trung Hà bị cấm lưu thông. Nhà trường đã bố trí chỗ ăn, ở tại hội trường, bảo đảm điều kiện học tập và sinh hoạt cho các em.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, đến ngày 13-9, có 6.483 học sinh phải nghỉ học do ngập lụt. Một số trường, như: Mầm non Tiên Phong, Mầm non Minh Châu và THPT Trần Phú - Ba Vì phải nghỉ học hoàn toàn; một số trường tổ chức dạy và học trực tuyến để chương trình không bị gián đoạn.

hoc-sinh-ba-vi.jpg
Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Ba Vì) bố trí chỗ ăn, ở cho 35 học sinh tỉnh Phú Thọ, sau khi cầu Trung Hà dừng lưu thông. Ảnh: Sơn Tùng

Có thể thấy, những ngày ngập úng lịch sử vừa qua đã cho thấy dấu ấn sâu sắc về tình người, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì. Bão lũ đi qua, song đọng lại trong mỗi người dân nơi đây là tinh thần "tương thân tương ái" đáng trân trọng của dân tộc Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì: Trách nhiệm, nghĩa tình trong đợt ngập úng lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.