(HNM) - Báo Hànộimới vừa qua đã đăng tải trong nhiều số báo thông tin xung quanh vụ chặt hạ, di chuyển cây bồ đề cho đến khi lực lượng chức năng tìm thấy và trồng lại tại vị trí cũ. Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc thông tin về việc chăm sóc cây sau khi trồng lại, ngày 22-11, PV Báo Hànộimới đã làm việc với một số đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ty Cây xanh Hà Nội, đơn vị trực tiếp chăm sóc cây cho biết: Ngày 4-11, cây bồ đề khi được tìm thấy, cành lá bị cắt trụi. Trên thân có vài vết cắt sâu, rễ chính và rễ phụ bị chặt sát… Ngay sau đó, để cứu sống cây, công ty đã cắt bỏ rễ cây bị dập nát; xoa đều hỗn hợp thuốc kích thích ra rễ với bùn non lên rễ và dải hỗn hợp chất kích thích với bùn non xuống đáy hố… Từ đó đến nay, bằng các biện pháp chăm sóc phù hợp, tuy chưa ra lá nhưng thân cây vẫn tươi.
Liên quan đến vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Sở Xây dựng vừa có Công văn số 9824/SXD-HTMT-CTN đề xuất vị trí trồng cây bồ đề. Sở cho rằng, cây hiện vẫn chưa ổn định. Nếu có tác động cơ học ngay (đánh chuyển đến chỗ khác hoặc va chạm) sẽ gây ảnh hưởng và làm cho cây khó sống được. Do đó, Sở đề xuất 3 phương án. Phương án thứ nhất: đợi sau khi cây ra lá (bắt đầu ổn định), sẽ đánh chuyển vào bồn hoa cách vị trí cũ khoảng 8,5m về phía tiếp giáp giữa Khách sạn Melia với Trung tâm Thương mại dịch vụ và chợ 19-12. Trong thời gian này, công trình vẫn thi công bình thường, không bị ảnh hưởng đến tiến độ. Đồng thời yêu cầu UBND phường Trần Hưng Đạo không cho xây bệ thờ bao quanh gốc cây, gây mất mỹ quan đô thị. Phương án thứ hai, sau khi cây bén rễ sẽ di chuyển về Công viên Hòa Bình. Phương án thứ ba, giữ lại cây theo hiện trạng, phần đất bảo vệ gốc có đường kính khoảng 2,5m. Như vậy, cây sẽ ảnh hưởng đến tầm quan sát và chắn lối của xe ô tô ra vào nhập hàng (khi đó sẽ phải dùng xe đẩy tay đưa hàng từ ô tô vào kho). Trong số phương án nêu trên, Sở chọn phương án 1.