Điểm đến

Ba đại diện Việt Nam lọt Top di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á

Theo Vietnamplus 10/07/2023 - 10:02

Tạp chí du lịch Wanderlust của Anh đã đưa 3 di sản của Việt Nam là vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào Top các Di sản ấn tượng nhất Đông Nam Á để du khách ghé thăm.

Ba dai dien Viet Nam lot Top Di san UNESCO an tuong nhat Dong Nam A hinh anh 1
Vịnh Hạ Long nằm ở vị trí đầu tiên trong Top 16 di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á. Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+

Trong 11 quốc gia tại Đông Nam Á, có 41 điểm đến được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới bao gồm các công viên hoang dã, kỳ quan thiên nhiên, đền thờ...

Đầu tháng 7-2023, Tạp chí Du lịch danh tiếng Wanderlust của Anh đã chọn ra 16 di sản ấn tượng nhất gợi ý độc giả nên ghé thăm, trong đó Việt Nam có 3 di sản được nhắc đến là vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách 16 di sản UNESCO ấn tượng nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Tạp chí Du lịch Anh giới thiệu quần thể 1.600 núi đá vôi lớn nhỏ trên vịnh Hạ Long có "quy mô ấn tượng nhất thế giới".

Kỳ quan thiên nhiên thế giới của Việt Nam lần đầu tiên được UNESCO công nhận vào năm 1994. 20 năm sau, cảnh quan của vịnh Hạ Long gần như không thay đổi, ngoại trừ lượng khách du lịch tới đây ngày một tăng.

Vịnh Hạ Long cuốn hút du khách với hàng trăm đảo đá vôi và đảo phiến thạch mang những hình thù riêng, không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục km như một bức tường thành.

Các hòn đảo được nhiều du khách ghé thăm có hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi, hòn Lư Hương…

Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động quyến rũ tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung…

Tạp chí Wanderlust cũng gợi ý du khách nên chèo thuyền kayak để chiêm ngưỡng động Thiên Cung, nơi nổi tiếng với nhiều măng đá và nhũ đá kỳ vĩ. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm các trang trại nuôi hàu, khám phá những bãi biển nhỏ ở các đảo.

Ba dai dien Viet Nam lot Top Di san UNESCO an tuong nhat Dong Nam A hinh anh 2
Những mái ngói rêu phong cổ kính ở phố cổ Hội An. Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+

Địa điểm thứ hai được nhắc tới là phố cổ Hội An, Quảng Nam. Đô thị cổ này được UNESCO công nhận di tích văn hóa thế giới vào năm 1999.

Những dãy phố cổ Hội An với những ngôi nhà tường vàng, mái ngói cổ kính rêu phong, cùng nhịp sống yên bình như tách biệt với cuộc sống hiện đại ở các đô thị khác của Việt Nam.

Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII-XVIII.

Đô thị cổ Hội An là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp.

Ba dai dien Viet Nam lot Top Di san UNESCO an tuong nhat Dong Nam A hinh anh 3
Những ngôi nhà ở phố cổ Hội An mang dáng dấp cổ kính, yên bình. Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+

Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị.

Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.

Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Một điểm nổi bật của Hội An được Tạp chí Du lịch Anh nhắc đến là những chiếc đèn lồng thắp sáng phố cổ về đêm. Du khách cũng có thể tham gia lễ hội đèn lồng diễn ra ngày 15 âm lịch hằng tháng ở Hội An.

Ba dai dien Viet Nam lot Top Di san UNESCO an tuong nhat Dong Nam A hinh anh 4
Thạch nhũ trong động Thiên Đường, nằm trong hệ thống hang động của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Vietnam+

Một địa điểm tuyệt đẹp nữa của Việt Nam được tạp chí Wanderlust đưa vào Top Di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á là vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Vào năm 2003, UNESCO công nhận vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo. Năm 2015, địa danh này tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ 2 là Di sản Thiên nhiên thế giới dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. So với 41 di sản thế giới khác có carxtơ, Phong Nha - Kẻ Bàng có các điều kiện địa hình, địa mạo và sinh vật khác biệt.

Tại Phong Nha - Kẻ Bàng có một hệ thống gồm khoảng 300 hang động lớn nhỏ. Hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: Có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận từ lâu, trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện.

Hang Sơn Đoòng có tổng chiều dài gần 9km, vòm hang rộng lớn với thể tích lên đến 38,5 triệu mét khối, "lớn đến mức có thể nhét một tòa nhà chọc trời vào bên trong", trở thành hang động lớn nhất thế giới.

Hang Sơn Đoòng cũng chính thức mở cửa đón du khách tham quan từ năm 2013.

Du khách cũng có thể ghé thăm động Thiên Đường, một hang động khá lớn có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền đất trong động này là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ba đại diện Việt Nam lọt Top di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.