(HNM) - Được hưởng chế độ hỗ trợ
Là hộ nghèo, vẫn hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên của phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), tháng 10-2009, gia đình bà Đào Thị Bình (số 4, phố Trương Hán Siêu) được hỗ trợ 20 triệu đồng để xóa nhà dột nát (trong đó 15 triệu đồng từ ngân sách theo Quyết định số 3196/QĐ-UB ngày 15-10-2009 của UBND quận Hoàn Kiếm và 5 triệu đồng từ quỹ của địa phương). Đầu tháng 11-2009, bà Bình và các con dọn tạm đi ở nhờ nhà người thân, ủy quyền (bằng văn bản) việc cải tạo nhà, nhận hỗ trợ kinh phí cho người cháu là ông Phạm Văn Xuân. Tuy nhiên, ngay sau khi ông Xuân dỡ phần mái nhà cũ, chuẩn bị sửa chữa thì chính quyền cơ sở nhận được đơn tố cáo của công dân sống trong cùng số nhà về việc bà Bình đã bán nhà, không còn ở diện tích này nữa mà vẫn nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Sau một tháng thẩm tra, xác minh, ngày 8-12-2009, tổ công tác UBND phường Trần Hưng Đạo đã thông báo bằng văn bản, kết luận nội dung tố cáo bà Bình bán nhà là không có cơ sở, nội dung tố cáo bà Bình bán nhà mà vẫn nhận tiền của quỹ hỗ trợ người nghèo xóa nhà dột nát là sai sự thật. Tiếp đó, ngày 15-12-2009, tổ công tác UBND phường phối hợp tổ chức đoàn thể cơ sở kiểm tra, lập biên bản hiện trạng và bàn bạc, thống nhất phương án cải tạo nhà của bà Bình với các bên có liên quan. Nhưng khi ông Xuân đưa thợ và vật tư vào thi công công trình, những người trong hộ liền kề lại tìm mọi cách ngăn cản, kể cả việc nằm lăn ra nền nhà đã tháo dỡ.
Trong tháng 12-2009, UBND phường Trần Hưng Đạo đã liên tục tổ chức đo đạc, vẽ sơ đồ hiện trạng, hướng dẫn, thỏa thuận giữa các bên, nhưng theo ông Phạm Sơn Hà, Phó Chủ tịch UBND phường, mặc dù đã nhiều lần thống nhất với chính quyền địa phương nhưng sau đó hộ gia đình này vẫn tiếp tục ngăn cản việc cải tạo, xây dựng, khiến nhà bà Bình tháo dỡ mái đã hai tháng mà không thể sửa chữa. Trước tình thế ấy ngoài việc lập biên bản và hướng dẫn thỏa thuận, UBND phường không thể áp dụng các biện pháp khác bởi chưa được quận chỉ đạo, trao quyền.
Ngày 29-12-2009, UBND phường Trần Hưng Đạo đã tổ chức xin ý kiến các phòng, ban chuyên môn của quận Hoàn Kiếm. Một ý kiến tư vấn được đưa ra là gia đình bà Bình mời cơ quan có tư cách pháp nhân kiểm định chất lượng xây dựng, lập hồ sơ về hiện trạng nhà, trên cơ sở đó xác định những bức tường cũ cần tháo dỡ, xây mới để UBND quận cấp phép xây dựng. Khi đó, chính quyền địa phương mới có đầy đủ thẩm quyền tổ chức lực lượng lập lại trật tự ở khu vực, bảo đảm việc xây dựng, cải tạo theo đúng quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà Bình. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, để mời một pháp nhân lập hồ sơ kiểm định chất lượng công trình như vậy, kinh phí phải lên tới hơn 10 triệu đồng. Đây quả là điều không tưởng đối với một hộ gia đình nghèo vẫn phải nhận hỗ trợ thường xuyên như bà Bình. Chính vì vậy, gia đình vẫn chỉ biết trông vào chính quyền địa phương để kêu cứu. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại vẫn thiếu một "cây gậy pháp lý" để có thể mạnh tay hơn.
Theo chúng tôi, để giảm gánh nặng kinh tế cho công dân, các phòng chức năng của quận Hoàn Kiếm có thể phối hợp cùng UBND phường Trần Hưng Đạo kiểm tra, xác minh hiện trạng, xác định mức độ cần cải tạo ngôi nhà của bà Bình, trên cơ sở đó lập hồ sơ trình UBND quận cấp phép xây dựng tạm thời. Chỉ có như vậy, một bà già gần 80 tuổi đang phải đi ở nhờ giữa mùa đông rét mướt mới mong sớm được trở về căn nhà ấm của mình khi mà Tết Nguyên đán đã gần kề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.