Theo dõi Báo Hànộimới trên

B-52, "vị khách" không mời…

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 26/12/2012 06:29

(HNM) - Sáng mùa đông. Con đường tắt xuyên từ chân quốc lộ 1B đến xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) hun hút gió. Những vạt cải vàng rải rác ven đường không đủ xua đi nền trời xám xịt và cái lạnh tê tái của đợt gió mùa Đông bắc tăng cường.

Trụ sở UBND xã Yên Thường cũ kỹ, khiêm tốn ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ. Nhận được "lệnh" từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Gia Lâm là chúng tôi về địa phương thu thập thông tin về sự kiện máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21-12-1972, Chủ tịch UBND xã Yên Thường - Nguyễn Đình Dậu vội hoãn việc chủ trì một cuộc họp khá quan trọng để đón khách.


Ông Nguyễn Đình Dậu bên tấm bia ghi chứng tích máy bay B-52 rơi tại Yên Thường, Gia Lâm.

Sức công phá khủng khiếp của "siêu pháo đài bay"

Sau màn chào hỏi xã giao, câu chuyện giữa chúng tôi trở nên rôm rả lạ thường khi nhắc đến đề tài chiến tranh. Dường như sau 40 năm, những ký ức về chiến tranh, về những tháng ngày đau thương nhưng hào hùng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử vẫn in đậm nét trong tâm khảm ông chủ tịch xã. Ông kể liền mạch như không chặn nổi dòng ký ức đang ùa về: "Năm đó tôi tròn 16 tuổi, độ tuổi sung sức nhất của thời trai tráng. Quê tôi nằm trong vùng bị bom đạn tàn phá nặng nề nhất vì gần khu vực ga Yên Viên. Tôi còn nhớ, khoảng hơn 5h sáng ngày 21-12-1972, đang ngủ ngon thì chúng tôi nhận được tin máy bay địch bắn phá, mọi người ai nấy đều nhanh chân chạy vào hầm trú ẩn. Đúng lúc đó, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, rồi cả làng như rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ lớn. Sau này tôi được biết, chiếc B-52 đó đang bay từ hướng Hà Nội đi Bắc Ninh, chưa kịp cắt bom đã bị Tiểu đoàn 93, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa), Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân ở trận địa Phú Thụy bắn rơi tại chỗ. Khi tiếng nổ dứt, tôi cùng mọi người trong làng từ hầm trú ẩn chui ra, ai nấy đều phát hoảng bởi cảnh tượng trước mắt. Nằm ngay cánh đồng rìa làng là xác một chiếc máy bay B-52 bị vỡ tan tành. Sức ép của tiếng nổ khoét nền đất ruộng thành một hố dài khoảng 60m, rộng hơn 20m và sâu từ 8 đến 10m. Lượng bom lớn chứa trong máy bay phát nổ khiến nước trong miệng hố sôi sùng sục. Do sức ép của bom, một số hầm trú ẩn của người dân dựng gần đó bị ảnh hưởng nặng nề. Đêm đó, chỉ tính riêng thôn Yên Thường đã có 3 người bị chết, gồm ông Trần Văn Đông, ông Nguyễn Đình Đào - Tổ trưởng Hội đồng thôn và con trai là anh Nguyễn Văn Phương. Cách khu vực máy bay B-52 rơi khoảng 100m, khu hầm trú ẩn nơi các cán bộ Công ty Cung ứng Vật tư đường sắt Yên Viên sơ tán cũng chịu sức ép nặng nề, khiến 4 người tử vong tại chỗ.

Sau 12 ngày đêm bị giặc Mỹ đánh phá, cả xã Yên Thường chìm trong cảnh đổ nát, hoang tàn. Nhiều người bị chết, gần chục nóc nhà bị cháy, nhiều ngôi nhà xung quanh khu vực máy bay B-52 rơi xuống bị cháy sém, ngả nghiêng…". Nhưng đau thương, mất mát không khiến người dân Yên Thường chùn bước. Ông Dậu kể tiếp, như người dân ở nhiều vùng quê khác, người dân quê tôi sau những ngày lo ma chay cho người chết, đưa người bị thương đi cấp cứu, dựng lại nhà cửa bị sập nát, họ bắt tay vào biến những mảnh vỡ của máy bay B-52 thành đồ dùng sinh hoạt thường ngày. Thời điểm đó, cuộc sống của người dân cả nước còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà nào ở Yên Thường cũng đã có mâm nhôm, nồi nhôm, chậu nhôm, ca múc nước… tất thảy là từ xác của "siêu pháo đài bay" đã lao xuống vào cái ngày 21-12 không thể nào quên ấy. Ông Dậu nói vui, xác chiếc máy bay B-52 đó đã mang đến cho người dân quê tôi nguồn nguyên vật liệu cực tốt để sản xuất ra hàng loạt dụng cụ thiết yếu bền đẹp, ý nghĩa phục vụ cho cuộc sống. Cho đến hôm nay, một số người trong làng vẫn còn lưu giữ được những sản phẩm làm từ vỏ chiếc máy bay B-52 đó. Và những sản phẩm này không chỉ còn giá trị sử dụng, mà còn là những "vật chứng lịch sử" khi kể lại câu chuyện về "thần sấm" đã rơi xuống Yên Thường vào ngày 21-12-1972.

Khép lại quá khứ


Khi chúng tôi ngỏ ý ghé thăm địa điểm nơi chiếc máy bay B-52 bị rơi tròn 40 năm về trước, giọng ông Dậu bỗng như chùng xuống, không giấu nổi tiếc nuối: "Sau dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng B-52, hố bom nơi xác máy bay B-52 rơi xuống ngày nào đã được san lấp. Hiện nay, nguyện vọng của xã là rất muốn đổi đất, đưa một số hộ dân tại khu vực lân cận địa điểm xác máy bay B-52 rơi ra khỏi làng, nhường chỗ cho việc xây dựng bia ghi nhớ chứng tích, song công việc này cũng không hề đơn giản…".

Rồi, như để chứng minh, đích thân ông Dậu dẫn chúng tôi đi "mục sở thị" nơi từng chôn vùi xác "siêu pháo đài bay", niềm tự hào bất khả chiến bại một thời của nước Mỹ. Dạo qua con đường làng quanh co, vòng vèo thêm một vài con ngõ nhỏ, cuối cùng ông Dậu dừng lại trước một ngã ba, chỉ vào tấm bia nhỏ gắn ngay trên tường rào của một ngôi nhà và nói: "Đây, đây chính là nơi chiếc máy bay B-52 bị rơi 40 năm trước!". Chắc hẳn không có sự chỉ dẫn tận tình và lời giới thiệu của ông chủ tịch xã, chúng tôi không thể hình dung ra hố bom rộng ngoác nằm ở rìa làng năm nào, nay đã biến thành con đường bê tông khang trang, những mái nhà nằm kề nhau san sát. Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, màu sơn còn tươi mới, những vườn cây xanh mát mắt đã xóa sạch dấu vết của những miệng hố bom sâu hoắm và cảnh hoang tàn, đổ nát ngày nào.

Nghe tiếng người quen, ông Nguyễn Đình Lê - anh trai chị Nguyễn Thị Lan - người duy nhất sống sót trong căn hầm trú ẩn cùng bố con ông Nguyễn Đình Đào và Nguyễn Đình Phương năm nào, vội bế đứa cháu nội chạy ra tận cổng đón khách. Ông bảo: "Thời điểm máy bay B-52 bị rơi, tôi đang chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam bộ. Khi em gái bị thương tôi cũng không hề hay biết. Năm 1974 trở về địa phương, tôi và một số người dân chọn khu vực nơi máy bay rơi để san đất, làm nhà ở. Nghe kể lại, khi máy bay B-52 rơi xuống, cả 6 phi công Mỹ đều thiệt mạng. Hằng năm, cứ ngày giỗ chạp, lễ tết, gia đình tôi vẫn thắp hương, cầu cho linh hồn của những người đã mất được siêu thoát. Năm 1984, khi đại diện Tổ chức tìm kiếm thân nhân người Mỹ mất tích tại Việt Nam (MIA) đến khu vực này, gia đình tôi cũng tạo mọi điều kiện cho công tác tìm kiếm, khai quật. Dù những gì còn lại sau hàng chục năm không nhiều, nhưng nghe nói sau đó phía Mỹ vẫn tiến hành xét nghiệm AND và báo tử cho cả 6 phi công đó. Chúng tôi thấy lòng mình cũng phần nào nhẹ bớt…".

Chia tay nhóm phóng viên Hànộimới, ông Dậu cho biết, quân và dân xã Yên Thường vừa tổ chức lễ mít tinh "rất hoành tráng" để kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Trong nội dung ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của các lực lượng bảo vệ bầu trời Thủ đô, câu chuyện chiếc B-52 rơi xuống Yên Thường là một nội dung thú vị được nhiều thế hệ người Yên Thường quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
B-52, "vị khách" không mời…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.