Theo dõi Báo Hànộimới trên

Auckland từng bước hóa giải ''bài toán'' hóc búa

Quỳnh Dương| 18/08/2022 06:06

(HNNN) - Mở rộng phát triển kinh tế, gia tăng đô thị hóa, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng được coi là những nhân tố chính gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông tại nhiều thành phố lớn trong những năm gần đây. Dù được đánh giá là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới, song New Zealand cũng không tránh được vấn nạn tắc đường tại các đô thị lớn, trong đó có thành phố Auckland. Tuy nhiên, nhờ nhiều giải pháp tích cực, “bài toán” hóc búa này đang từng bước được hóa giải.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra tại Auckland.

Ở Auckland, tình trạng tắc nghẽn giao thông từng bị đánh giá là tồi tệ nhất so với bất kỳ thành phố nào của New Zealand, một phần bởi những hạn chế trong quy hoạch từ những năm 1940. Thời điểm đó, chính quyền thành phố chỉ tập trung xây dựng tuyến đường kết nối khu vực trung tâm với ngoại ô để người dân di chuyển bằng ô tô. Có rất ít khoản đầu tư phát triển đường sắt nội đô và hệ thống giao thông công cộng. Thêm vào đó là chính sách nhập khẩu ô tô cũ giá rẻ từ Nhật Bản từ những năm 1990 khiến số lượng xe hơi tại New Zealand tăng đột biến, gây sức ép không nhỏ lên hạ tầng giao thông của Auckland. Chính những điều này đã thúc đẩy sự hình thành nền văn hóa xe hơi tại các thành phố lớn của New Zealand. Nhiều người thích lái xe hơn, ngay cả khi chi phí cao hơn và mất nhiều thời gian di chuyển hơn so với đi xe buýt.

Một báo cáo của chính phủ nước này cho biết, trung bình mỗi người dân của thành phố Auckland lãng phí tới 85 giờ trong 1 năm vì tắc nghẽn giao thông và tổng thiệt hại lên tới 2 tỷ USD/năm. Tình trạng này có thể ngày càng nghiêm trọng hơn khi dân số của Auckland dự kiến đạt 2 triệu người trong thập niên tới với khoảng 1,5 triệu phương tiện lưu thông trên đường. Tổng thời gian lái xe của người dân Auckland được dự đoán tăng 20%. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ New Zealand đã triển khai nhiều dự án, trong đó chú trọng tới các giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Do quỹ đất tại Auckland không còn nhiều để có thể mở rộng các con đường nên việc phát triển hệ thống giao thông và phương tiện đi lại công cộng được đặc biệt chú trọng. Chỉ khi số lượng xe cá nhân giảm, tình trạng tắc nghẽn mới được cải thiện.

Để làm được điều này, các đơn vị vận hành phương tiện giao thông công cộng được khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ. Người dân sẵn sàng chuyển từ xe hơi riêng sang phương tiện giao thông tập thể, khi các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo được ba tiêu chí: Nhanh chóng, đúng giờ và tần suất hoạt động cao. Bên cạnh đó, các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời thay đổi nền văn hóa xe hơi cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, trong bản đề án phát triển giao thông tầm nhìn 10 năm, Auckland ưu tiên số hóa và tự động hóa hệ thống đèn tín hiệu để phù hợp với mật độ giao thông từng khung giờ trong ngày. Các phần mềm trí tuệ nhân tạo được đưa vào ứng dụng để phân tích dữ liệu nhằm dự đoán tình trạng giao thông cho người đi đường để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn. Dữ liệu được thu thập từ chuỗi cảm biến đặt tại các giao lộ và trên đường cao tốc, hệ thống camera giám sát và tín hiệu GPS.

Trong khi các dự án trung và dài hạn về giao thông được triển khai, chính phủ New Zealand cũng đưa ra một số giải pháp mang tính ngắn hạn. Ví dụ như thu phí 7 USD/ngày đối với tài xế đi xe vào trung tâm Auckland trong giờ cao điểm. Chính sách này được ví như biện pháp “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa giảm được lưu lượng xe tham gia giao thông, vừa giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Số tiền thu được từ việc này sẽ được sử dụng để nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Để giảm chi phí tham gia giao thông trong giờ cao điểm, người dân có thể chọn lựa các giải pháp khác như sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chuyên gia trong lĩnh vực giao thông của New Zealand Tom James cho biết: “Nhiều thành phố trên thế giới đã thu được kết quả tích cực khi việc thu phí chống tắc nghẽn được thực hiện, như đã thấy ở Milan, Stockholm, Singapore. Khoản phí này giúp giảm tới 30% lưu lượng giao thông trên các tuyến đường thành phố vào giờ cao điểm”.

Trưởng nhóm vận hành mạng lưới giao thông trung tâm của Auckland Mitchell Tse cho biết, tất cả các dự án mà thành phố đang triển khai nhằm hướng tới hoàn thiện một hệ thống giao thông thích ứng. Trong tương lai gần, người tham gia giao thông sẽ được thông báo kịp thời về các sự cố hoặc tình trạng tắc nghẽn trên tuyến đường di chuyển của họ. Với các biện pháp này, chắc chắn tình trạng giao thông tại Auckland sẽ sớm được cải thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Auckland từng bước hóa giải ''bài toán'' hóc búa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.