Theo dõi Báo Hànộimới trên

ASEAN cần đoàn kết trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

Đình Hiệp| 02/07/2014 17:23

(HNMO) - Chiều 2-7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm “Cộng đồng ASEAN 2015 và tình hình hiện nay ở Biển Đông”.



Diễn giải chính của tọa đàm là TS Hassan Wirajuda, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia; đồng sáng lập và là nhà bảo trợ của Viện Hòa bình và Dân chủ tại Indonesia. Tham dự tọa đàm còn có đông đảo đại biểu, nhà nghiên cứu khoa học, học giả… của hai nước Việt Nam-Indonesia.

Đánh giá cao những thành tựu của ASEAN trong 47 năm qua kể từ khi thành lập và phát triển đến nay, TS Hassan Wirajuda trong bài thuyết trình đã khẳng định, một Cộng đồng ASEAN được hình thành năm 2015 sẽ không thể vững mạnh nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế mà không chú trọng đến chính trị-an ninh, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức an ninh đối với khu vực ngày càng lớn do sự bành trướng, hung hăng của Trung Quốc. TS Hassan Wirajuda cho rằng, sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia năm 2012 đã không đưa ra được một thông cáo chung do bất đồng giữa các nước trong cách tiếp cận về vấn đề Biển Đông cho thấy, ASEAN đã đánh mất vai trò trung tâm của mình trong việc quản lý xung đột tiềm tàng ở Biển Đông hiện nay.

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố “đường lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông một cách phi lý cũng như ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông, TS Hassan Wirajuda khẳng định: “Trong các cuộc hội thảo cũng như tiếp xúc với giới chức Trung Quốc gần đây tôi đều đặt câu hỏi là: Trung Quốc căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” gần như toàn bộ Biển Đông ? Căn cứ vào đâu mà Trung Quốc có quyền tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở Biển Đông ? Tuy nhiên phía Trung Quốc không đưa ra câu trả lời cũng như bất cứ bằng chứng pháp lý nào”.

TS Hassan Wirajuda cho biết, từ lâu Trung Quốc luôn mong muốn giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán song phương, chứ không phải là đa phương trong ASEAN hay vấn đề mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, nếu chỉ Việt Nam hay Philippines đàm phán song phương hoặc kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế sẽ không giải quyết được vấn đề. Việc ra đời Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là công cụ pháp lý quan trọng để giải quyết những tranh chấp trên biển. Trung Quốc cũng đã ký với các nước ASEAN bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc đã vi phạm cả UNCLOS 1982 và DOC 2002, bởi DOC không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Vì thế, các nước ASEAN cần đoàn kết hơn nữa trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Cụ thể, các nước ASEAN có thể tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về những tranh chấp này. Bởi trong bối cảnh hiện nay đối thoại hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông vẫn được xem là giải pháp hiệu quả nhất, tránh được những xung đột mở có thể xảy ra khi căng thẳng giữa các bên liên quan gia tăng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ASEAN cần đoàn kết trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.