Với mức giá trần vừa được Bộ Tài chính công bố, 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phổ biến nhất trên thị trường có thể giảm từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/hộp.
Việc các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa trẻ em phải bán theo mức giá trần khiến người tiêu dùng phấn khởi và ngóng từng ngày Ảnh: Bình Minh |
Giảm đến 100.000 đồng/hộp
Sáng 22/5, khảo sát thị trường sữa, PV nhận thấy thông tin về mức trần giá sữa đã nhanh chóng được các cửa hàng, đại lý sữa và người tiêu dùng cập nhật. Chị Hương - chủ đại lý Cường Hương trên đường Trần Cung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nếu thực hiện đúng quy định này, chắc chắn giá sữa đến tay người tiêu dùng sẽ giảm từ 10.000 - 100.000 đồng/hộp.
Chị Hương nhẩm tính, hiện một hộp sữa Lactogen 3 loại 900gr chị bán giá 288.000 - 290.000 đồng, nếu tính giá trần Bộ Tài chính quy định là 226.000 đồng cộng với tối đa 15% giá tối đa trong khâu bán buôn, thì giá bán đến tay người tiêu dùng chỉ là 260.000 đồng, giảm khoảng 30.000 đồng/hộp so với hiện tại. Tương tự, một hộp sữa Enfagrow A+ vanilla loại 900gr hiện có giá bán lẻ từ 427.000 - 440.000 đồng/hộp, nhưng theo quy định mới, giá bán lẻ tối đa chỉ còn 355.000 đồng/hộp, giảm 72.000 - 85.000 đồng/hộp. Sữa Dielac Alpha 123 HG 400gr, giá bán lẻ tối đa chỉ còn 83.000 đồng/hộp, giảm hơn 10.000 đồng/hộp so với mức giá 93.000 - 95.000 đồng/hộp hiện nay.
Một cán bộ phụ trách kinh doanh của Friesland Campina Việt Nam cũng thừa nhận, sáng 22/5, anh nhận được rất nhiều điện thoại của đại lý hỏi về giá bán mới. Nhưng tới thời điểm này, lãnh đạo Friesland Campina Việt Nam chưa đưa ra kế hoạch điều chỉnh giá bán nào. So với mức giá Friesland Campina Việt Nam đang giao cho đại lý, giá trần của Bộ Tài chính quy định thấp hơn rất nhiều, như: Một hộp Frisolac Gold 1 loại 400gr giá giao 230.000 đồng, còn giá trần 196.000 đồng; Một hộp Friso Gold 3 loại 900 gr giá giao 445.000 đồng, nhưng giá trần chỉ 365.000 đồng; Một hộp Frisolac Gold 2 giá giao 490.000 đồng, giá trần quy định chỉ 406.000 đồng...
Tương tự, chị Thùy, nhân viên phân phối sữa Abbott cũng cho hay, đến thời điểm này hãng chưa đưa ra thông tin điều chỉnh giá bán, trong khi so với mức giá hãng giao cho đại lý, mức giá trần của Bộ Tài chính thấp hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/hộp...
Doanh nghiệp vẫn lãi
Trước mức trần giá sữa do Bộ Tài chính đưa ra khá thấp so với giá hiện hành, nhiều hãng sữa cho biết sẽ khó xoay xở hơn, thậm chí còn “đe” không kinh doanh mặt hàng này nữa vì sẽ thua lỗ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định doanh nghiệp sữa hoàn toàn có thể “thiết kế lại luật chơi” cho phù hợp với quy định mới bằng cách tiết giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng sức mua và bản thân việc doanh nghiệp giảm giá bán sữa theo quy định giá trần cũng là cách để kích cầu, tăng đối tượng sử dụng sữa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện hầu hết các hãng sữa lớn trên thị trường Việt Nam đều áp dụng mô hình kinh doanh nhiều cấp, trong đó đại lý cấp 1 “ăn” theo tỷ lệ phần trăm giá trị hàng hóa, rồi phân phối cho các đại lý cấp 2 cũng được chiết khấu phần trăm, ngoài ra còn đi kèm hàng khuyến mãi như: Túi xách, balo, xe đạp, bàn học cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác, như nhân viên chăm sóc, thậm chí cả nhân viên hỗ trợ bán hàng... Theo chị Hương - chủ đại lý Hương Cường, mặc dù chiết khấu từ giá bán sữa rất thấp, thậm chí là 0%, nhưng thực chất kinh doanh sữa vẫn đem lại nguồn thu đáng kể. Do đó, nói như ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thì những chi phí này hoàn toàn có thể tiết giảm để kéo giảm giá trần như quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.