(HNM) -
Với doanh nghiệp, kiểm tra chuyên ngành đang là gánh nặng. Công tác quản lý chuyên ngành vẫn còn chồng chéo, tỷ lệ kiểm tra lên đến 30-35% mà kết quả phát hiện vi phạm thấp, là rào cản hoạt động của doanh nghiệp (thông tin đưa ra tại phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại).
Hệ lụy là doanh nghiệp không chỉ mất thêm chi phí, thời gian, đặc biệt là các chi phí cơ hội; giảm khả năng cạnh tranh... Giảm bớt gánh nặng kiểm tra chuyên ngành không chỉ là yêu cầu tất yếu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động mà còn đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của quá trình hội nhập. Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ các nhiệm vụ: Thứ nhất, khẩn trương thực hiện các giải pháp về cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành (đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu).
Thứ hai, trong quý I năm 2017, ban hành danh mục hàng hóa xuất - nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm... Thứ ba, điện tử hóa các thủ tục... Những chuyển động trong thực hiện từ phía các bộ, ngành "nắm giữ" hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã cho thấy hiệu quả bước đầu, tuy nhiên để thực sự đáp ứng đòi hỏi của thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng lưu ý.
Đó là, phải sớm chấm dứt tình trạng trên "nóng", dưới "nguội", thậm chí "lạnh" ở một số cơ quan, đơn vị quản lý, có liên quan hoặc trực tiếp thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tinh thần chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ phải được quán triệt, thực hiện nghiêm. Đây cũng là yêu cầu xuất phát từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp - khu vực giữ vai trò chủ đạo cho nguồn thu ngân sách.
Trong khi bộ phận quản lý, có liên quan hoặc trực tiếp liên quan còn "ngần ngại" với giảm kiểm tra chuyên ngành, rõ ràng phải thực hiện những giải pháp mang tính kỹ thuật, như rút gọn danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh sang hậu kiểm cũng như tăng cường giải quyết trực tuyến hồ sơ, thủ tục một cách thực chất. Thực tế, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đồng nghĩa với hạn chế cán bộ, nhân viên (thực hiện) "tiếp xúc trực tiếp" với doanh nghiệp nên tất yếu giảm phát sinh sức ỳ, lực cản ở một số khâu, một số đơn vị.
Điều này đòi hỏi những áp lực cả từ bên trong cũng như bên ngoài. Theo chiều dọc, đó là áp lực mang tính hành chính từ cơ quan cấp trên xuống cơ quan cấp dưới, từ người đứng đầu đơn vị xuống nhân viên, đặc biệt là người trực tiếp thực thi. Theo chiều ngang, đó là áp lực từ chính cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp, tổ chức đại diện cũng phải lên tiếng, một cách trực tiếp, cụ thể hoặc gián tiếp, về những rào cản từ hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông về giám sát, phản ánh những tiêu cực, vi phạm phát sinh...
Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, ở không ít trường hợp, đồng nghĩa với việc cắt bỏ lợi ích của đơn vị, người thừa hành có liên quan. Đây là một quá trình không dễ dàng, tất yếu đòi hỏi duy trì áp lực từ nhiều phía một cách lâu dài, gắn với đó là chế tài xử lý nghiêm những trì trệ, hành vi vi phạm. Tất cả nhằm phục vụ cho mục đích chung: Sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.