Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực từ nhiều phía

Gia Bình| 05/08/2011 06:56

(HNM) - Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía, trong đó có xi măng...


Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: Bá Hoạt


Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ xi măng trên cả nước đều giảm mạnh (khu vực miền Nam giảm mạnh nhất, tiếp đến là miền Trung và miền Bắc). Bảy tháng 2011, toàn ngành chỉ tiêu thụ được 28,75 triệu tấn xi măng, đạt hơn 51% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do thị trường BĐS đang trầm lắng và một số lý do khách quan khác. Trong khi đó, năng lực sản xuất xi măng lại tăng mạnh. Đến nay, tổng công suất của ngành đã đạt 65 triệu tấn. Đại diện một công ty xi măng cho biết, nhu cầu giảm mạnh nhất là ở thị trường xi măng bán cho các công trình lớn, như cầu đường, các tòa chung cư và cao ốc thương mại. Với phân khúc này, thị trường miền Nam là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Từ đầu năm đến nay, mức tiêu thụ ở phân khúc này tại miền Nam đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tiêu thụ tại các khu vực khác cũng không sáng sủa hơn. Bởi tình trạng ảm đạm của thị trường BĐS và việc cắt giảm, đình hoãn một số công trình vốn ngân sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm của DN, dẫn đến vòng quay vốn của DN không hiệu quả. Trước đây, chỉ 1 tháng hay 1,5 tháng sau khi giao hàng là được thanh toán tiền, nhưng nay 3-5 tháng mà chưa thanh toán xong tiền. Vòng quay vốn chậm, trong khi lãi suất vay ngân hàng cao, càng làm cho chi phí tăng. Đó là chưa kể, các chi phí đầu vào cũng đồng loạt tăng, mạnh nhất là than, với mức tăng 41%. Chỉ riêng phần này đã làm cho giá thành sản xuất clinker, bán thành phẩm xi măng tăng 12%, tiếp đến là dầu DO tăng gần 20%. Các chi phí khác như cước vận tải, giá phụ liệu, bao bì... cũng tăng khá cao. Chi phí tăng, nhưng các DN không dám điều chỉnh giá bán tương ứng, bởi cung đang vượt cầu. Đã vậy, nhiều DN xi măng đến hạn trả nợ vay đầu tư với số tiền cả nghìn tỷ đồng, rồi việc điều chỉnh tỷ giá...

Tất cả những khó khăn đó đã tạo sức ép cho một số DN của ngành xi măng có khả năng đến bên bờ "vực thẳm". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự mất cân đối giữa cung và cầu chưa phải là vấn đề lớn với ngành xi măng hiện nay. Bởi, các nhà máy hiện chạy hết công suất, lượng xi măng dư thừa so với sức tiêu thụ của thị trường nội địa là hơn 10 triệu tấn. Nếu kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, thì cung - cầu sẽ sớm cân bằng. Song, vấn đề đáng lo ngại là ở chỗ việc xây dựng nhà máy xi măng vẫn phát triển. Với xu hướng này, đến năm 2015, công suất của ngành xi măng sẽ đạt 90 triệu tấn. Và khi đó sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa. Vì thế, ngành chức năng cần có biện pháp rà soát, cân nhắc khi phát triển thêm các dự án xi măng.

Không riêng xi măng, nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội đều đang tìm cách tồn tại khi nhu cầu sử dụng giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường BĐS trầm lắng, người dân thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa cũng giảm. Thêm vào đó, giá sắt thép đang giảm sâu, nhiều khách hàng có tâm lý chờ "chạm đáy" mới mua. Khu vực đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Vành đai 3, Minh Khai, Ngô Gia Tự... nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng đang trong tình trạng ế ẩm. Tháng 7, doanh số mỗi cửa hàng giảm 10-20% so với những tháng đầu năm. Các mặt hàng như cát, sỏi, gạch, vôi, thiết bị vệ sinh cũng trong tình trạng tương tự. Không chỉ có những tiểu thương nhỏ lẻ khó khăn, mà cả những "đại gia" trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng cũng chật vật. Kinh doanh khó khăn, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng tăng khiến DN "chóng mặt". Các DN xây dựng lo lắng, tình hình tài chính từ nay đến cuối năm còn khó khăn, nếu không được cải thiện về thị trường cũng như nguồn vốn, DN có nguy cơ thua lỗ...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp lực từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.