(HNMO)-Sau Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND tăng đáng kể. Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến cuối năm, áp lực lên tỷ giá sẽ không quá lớn.
Đợt "sóng” nhỏ
Thị trường ngoại hối đã trải qua năm 2017 ổn định. Tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5-1,7%. Trong khi đó, tỷ giá tại ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,2%. Vào những tuần trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, (tức cuối tháng 1 đầu tháng 2 -2018) mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm do giá USD trên thị trường thế giới biến động nhưng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi. Giá USD được niêm yết phổ biến là 22.674 VND (mua vào) và 22.744 VND (bán ra). Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tỷ giá có sự biến động đáng kể. Các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh giá USD theo hướng đi lên.
Sau Tết, tỷ giá USD/VND tăng |
Vào ngày 27-2, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.715 VND-22.785 VND (mua vào-bán ra); Eximbank để là 22.710 VND-22.780 VND; ACB niêm yết ở mức 22.710 VND-22.780 VND. Đáng chú ý, Sacombank để là 22.709 VND -22.801 VND. Mức giá này được ghi nhận là cao nhất một năm qua. Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến cuối tháng 2, tỷ giá trung tâm tăng 0,13% so với cuối năm 2017. Tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,12%. Đến ngày 15-3, giá USD được mua bán phổ biến là 22.725 VND-22.795 VND, tức cao hơn thời điểm trước Tết khoảng 60 VND.
Theo các chuyên gia, diễn biến trên không đáng lo ngại bởi đây là biến động mang tính chu kỳ. “Thường sau Tết các nhà nhập khẩu nhập hàng khóa nhiều, nhu cầu ngoại tệ tăng khiến tỷ giá tăng, còn các chỉ số vĩ mô khác vẫn ở mức khả quan, không tạo sự lo lắng về tỷ giá”, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá, bên cạnh yếu tố thời vụ, tỷ giá USD/VND nhích trong thời gian qua một phần do giá đồng USD trên thị trường quốc tế phục hồi.
Vậy, từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND có chịu áp lực lớn, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất USD nhiều lần? Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa quan điểm, nếu Fed tăng lãi suất trong năm nay, đặc biệt là có thể tăng nhiều lần, sẽ tác động lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, diễn biến của tỷ giá USD/VND còn phụ thuộc vào tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu Việt Nam nhập khẩu nhiều sẽ gây áp lực lên tỷ giá bởi nhu cầu về ngoại tệ tăng cao. Tỷ giá cũng chịu áp lực từ các nhà xuất khẩu vì tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu, mà nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. “Nói tóm lại, tỷ giá chịu áp lực từ nhiều phía. Trên thực tế là từ nhập khẩu, từ thị trường quốc tế, nhưng kỳ vọng thị trường lại đến từ xuất khẩu”, chuyên gia này nói. Theo ông, từ nay đến cuối năm tỷ giá có thể tăng 2-3%.
Áp lực không lớn
Cũng theo chuyên gia này, dự trữ ngoại hối dồi dào là một trong những yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá bởi khi tỷ giá có biến động lớn, Ngân hàng Nhà nước có thể dùng dự trữ ngoại hối để bán ngoại tệ làm giảm áp lực tỷ giá. “Nhưng cũng không thể dùng quá nhiều dự trữ ngoại hối bởi một nền kinh tế cần có nguồn dự trữ ngoại hối bù đắp 3 tháng nhập khẩu. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực lại cho rằng, áp lực lên tỷ giá trong năm nay là có nhưng không đáng kể, không đáng lo ngại quá nhiều. “Dù Fed có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và năm tới là 3 lần nữa nhưng việc này đã được dự báo trước, được phản ánh vào thị trường, chứ không phải là thông tin bất ngờ”, chuyên gia này lý giải cho nhận định trên. Bên cạnh đó, theo ông, quan hệ cung cầu ngoại tệ được dự báo ổn định; nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu, giải ngân đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch dự kiến tăng trưởng tốt trong năm nay.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, sức cầu ngoại tệ sẽ tăng lên do nhập khẩu tăng và trả nợ nước ngoài nhưng nhu cầu về ngoại tệ sẽ vẫn được đáp ứng đầy đủ nên không tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Chuyên gia này dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 1-2% trong năm nay. Đây được coi là mức tăng bình thường, không đáng quan ngại.
Đồng quan điểm trên, tại báo cáo tình kinh tế- tài chính 2 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 sẽ tăng nhẹ ở mức 1,5-2%. Sở dĩ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo như vậy bởi theo cơ quan này, tỷ giá năm nay dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ một số yếu tố. Chẳng hạn, cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư (tính đến 15-2, cán cân thương mại thặng dư 1,6 tỷ USD so với đầu năm); đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018; triển vọng về nguồn vốn gián tiếp vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán là rất tích cực.
Liên quan đến dòng vốn gián tiếp nước ngoài, từ đầu năm 2018, mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán chính thức ở mức cao, đạt xấp xỉ 573 triệu USD (trong đó 542 triệu USD cổ phiếu và 31 triệu USD trái phiếu). Trong tháng 2, khối ngoại tiếp tục mua ròng 151 triệu USD trong đó mua ròng 154 triệu USD cổ phiếu và bán ròng 3 triệu USD trái phiếu.
“Nhìn chung, triển vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm 2018 tích cực do các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát của Việt Nam ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể vượt mức 6,8% và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết vào tháng 3”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.