(HNM) - Hơn một năm trở lại đây, khi cơn bão nợ công không ngừng gây ra những hậu quả nặng nề cho Cựu lục địa - nhiều nhà bình luận quốc tế đã đề cập tới việc nước Anh không mặn mà với vai trò thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, vấn đề này chưa chính thức được các nhà lãnh đạo EU đề cập.
Thủ tướng Anh David ameron đang đau đầu khi đa số người dân nước Anh muốn rời khỏi EU. |
Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ những bất đồng về phương thức giải cứu Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài. Là một trong những quốc gia sáng lập EU, đồng thời có nền kinh tế phát triển, không thể phủ nhận Anh - một trụ cột của liên minh - đã có nhiều đóng góp lớn vào quá trình mở rộng và phát triển "Ngôi nhà chung" 27 thành viên này. Tuy nhiên, trước sự tàn phá nặng nề của khủng hoảng tài chính cùng những ảnh hưởng không thể tránh khỏi từ Eurozone, nợ công của Anh liên tục phi mã, đến thời điểm thế giới chuẩn bị đón năm mới 2013 đã lên tới hơn 1.000 tỷ bảng. Đây là lý do chủ yếu khiến London luôn phải so đo trước các kế hoạch liên quan tới tài chính cho dù đề xuất của EU chỉ vì mục đích chung của cả liên minh. Từ chỗ không tán thành Cơ chế bình ổn tài chính Châu Âu tới việc không ký Hiệp ước siết chặt kỷ luật ngân sách của EU, có thể thấy hố sâu ngăn cách giữa Anh và EU đang ngày một nới rộng.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron còn yêu cầu được quyết định độc lập về các vấn đề quan trọng trong EU để đổi lấy việc đồng ý thực hiện các biện pháp cải cách tài chính ở Eurozone. Cùng với động thái này, "ông chủ" số 10 phố Downing cũng sẽ trình bày lập trường về nước Anh ở trong EU trong một phát biểu quan trọng dự kiến vào giữa tháng 1-2013. Đáng quan tâm hơn là, Chính phủ Anh dự định tiến hành đồng thời hai cuộc trưng cầu dân ý về quan hệ với EU. Cuộc trưng cầu ý dân thứ nhất dự kiến diễn ra ngay sau cuộc tổng tuyển cử mùa Xuân năm 2015 về việc trao cho chính phủ thẩm quyền ký kết một loạt hiệp định với EU cùng những điều kiện mới. Tiếp đó, Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hình thức quan hệ mới với EU. Cử tri đồng thời cũng được yêu cầu bỏ phiếu cho việc Anh có rút hoàn toàn khỏi EU hay không.
Cách hành xử của London đã khiến các nhà lãnh đạo EU lo ngại, ngày 27-12, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Herman Van Rompuy cho biết: "Nếu mỗi nước thành viên đều có thể lựa chọn những phần chính sách mà họ thích nhất và không tham gia cái họ không thích, thì liên minh nói chung và thị trường chung euro nói riêng, sẽ sớm tan rã". Quyết định gây tranh cãi của Thủ tướng Anh D.Cameron cũng đang vấp phải chỉ trích của các thành viên nội các, trong đó có phe Dân chủ Tự do của Phó Thủ tướng Nick Clegg. Cái khó của ông D.Cameron là dưới tác động của cuộc khủng hoảng Châu Âu, dân chúng Anh nhìn chung muốn tách khỏi EU. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân mới đây nhất cho thấy có tới 51% người được hỏi yêu cầu ra khỏi EU, chỉ có 28% cho rằng nên ở lại. Ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của ông D.Cameron cũng có 40% thành viên ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU.
Trong bối cảnh như vậy, có thể xem quyết định của Thủ tướng D.Cameron là một động thái thuận theo số đông. Xét ở một số góc độ, rời khỏi EU có thể giúp Anh nhanh chóng đạt được một số lợi ích như: tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do việc không phải đóng góp vào ngân sách của liên minh; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn đồng thời Anh sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính Châu Âu...
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích đã thấy, Anh cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ trở nên xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô xem Anh như là cơ sở hoạt động ở Châu Âu sẽ èo uột, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn của ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính. Ngoài ra, Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU. Vai trò và vị trí của Anh cũng sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế. Đây là những khía cạnh khiến người Anh phải xem xét thật kỹ trước khi tiến tới một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn tới tương lai của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.