(HNM) - Không chỉ cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người, dịch Covid-19 còn khiến hàng trăm triệu người trên thế giới đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Hiện, chính phủ các nước đang phải căng mình để cứu nền kinh tế và giải quyết “bài toán” việc làm cho người lao động trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Số liệu của Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (INE) vừa công bố cho thấy, dịch Covid-19 đã tước đi việc làm của trên 1 triệu người dân nước này do tình trạng phong tỏa, họ không thể ra ngoài tìm việc. Trong đó, ngành dịch vụ, bao gồm các nhà hàng cũng như du lịch, chịu thiệt hại nghiêm trọng với gần 817.000 việc làm bị mất. Đây là một trụ cột của nền kinh tế Tây Ban Nha, đóng góp 12% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nước này.
Còn các ngành Xây dựng và Công nghiệp mất hơn 100.000 việc làm, ngành Nông nghiệp chịu ít tác động hơn với 21.400 việc làm. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã phá vỡ sự phục hồi mong manh của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp vốn đã lên tới 27% năm 2013 nhưng giảm xuống 13,8% vào cuối năm 2019, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha có thể lên tới 20,8% trong năm 2020 so với con số dự báo 19% của Chính phủ.
Tại Thụy Điển, con số của cơ quan thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 6-2020 là gần 10%, mức cao nhất kể từ năm 1998, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, số người thất nghiệp trong tháng 6 ở Thụy Điển là 557.000 người, tăng 150.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Giới trẻ bị tác động mạnh nhất, với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 là 28%, mức cao nhất kể từ năm 1993. Khoảng 173.000 người dưới 25 tuổi đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp, tăng 50.000 người so với trước khi bùng phát dịch. Tại nước láng giềng Đan Mạch, nơi đã áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt hơn, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5-2020 cũng tăng lên mức cao nhất từ năm 2012, ở mức 5,6% so với 3,7% trong tháng 2-2020.
Ở Brazil, thăm dò các hộ gia đình qua điện thoại của cơ quan thống kê cho thấy, số người có việc làm trong tháng 6-2020 giảm 1 triệu người, dù nền kinh tế đã hoạt động trở lại.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch Covid-19 đã gây tổn thất cho thị trường lao động - việc làm nặng nề hơn nhiều so với dự báo. Có tới 93% người lao động trên toàn cầu đang sống tại các nước bị ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly và đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế, trong đó châu Mỹ chịu tác động nặng nhất. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cảnh báo, thế giới chưa thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo thêm 25 triệu người nữa vào "đội quân thất nghiệp" trên toàn cầu.
Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động với quy mô và phạm vi chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, một giải pháp được nhiều quốc gia hướng tới là mở cửa nền kinh tế nhằm khôi phục việc làm. Tuy nhiên, đây là một vấn đề gây tranh cãi trong bối cảnh số ca mắc bệnh trên toàn cầu tăng nhanh do làn sóng Covid-19 lần thứ hai.
ILO khuyến cáo, các nước phải tìm được một lộ trình mở cửa thận trọng, từng bước, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, có nghĩa là mở cửa nhưng phải bảo đảm an toàn. Đó là một “bài toán” khó, và như người đứng đầu ILO nhận định thì: “Những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, cho đến cả năm 2030 và xa hơn nữa. Các quốc gia còn rất nhiều việc phải làm, nhưng có một điều chắc chắn là: Chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19, để thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.