Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ánh điện nơi vọng gác Biển Đông

Thanh Mai| 24/07/2017 20:40

(HNMO) - Mặc dù đứng ở Cửa Tùng nhìn ra phía biển đã thấy Cồn Cỏ hiện rõ một vệt cồn xanh, nhưng vì rất nhiều lí do, chuyến đi cứ bị hoãn… hoãn mãi tới hơn một năm sau chúng tôi mới đến được Cồn Cỏ - vọng gác Biển Đông sau khoảng lặng của cơn bão số 2 đổ vào Thanh Hóa, Nghệ An.



Vọng gác tiền tiêu

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, có một đường vạch như nhát dao cắt đôi những mảnh đất Việt Nam. Nếu cấp tỉnh thì đó là Quảng Trị, cấp huyện thì đó là Vĩnh Linh. Nhưng nếu kể về một "hòn máu" nhỏ nhất, nhỏ chỉ bằng một xóm heo hút mà vẫn bị nhát cắt ấy cứa lên mình, thì đấy là Cồn Cỏ. Vĩ tuyến 17 đã cứa qua hòn Cỏ đơn côi ấy, phía Bắc chiếm phần nhiều hơn, phía Nam chỉ là vệt bến Nghè mỏng dính. Vậy nên Cồn Cỏ mới thuộc về miền Bắc và trở thành một phần âu lo nặng trĩu của tuyến lửa Vĩnh Linh suốt mấy chục năm đánh Mỹ.

Sáng ngày 8-8-1959, một trung đội của trung đoàn bảo vệ giới tuyến được lệnh ra cắm cờ trên đảo, hai tiếng đồng hồ sau đó, hải quân của chính quyền Sài Gòn cũng đưa tàu ra tiếp cận đảo, nhưng đã bị chậm. Từ ngày đó, Cồn Cỏ đón nhận một sứ mệnh lịch sử: Vọng gác tiền tiêu của miền Bắc. Bao nhiêu đạn bom đã trút xuống, bao nhiêu chuyến thuyền tiếp vận cảm tử và cả trăm con người đã nằm lại trên hành trình bất khuất của hòn đảo nhỏ.

Theo “Ký sự miền đất lửa” của đồng tác giả Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh viết từ hơn 45 năm trước về “hành trình máu” Vịnh Mốc - Cồn Cỏ, Cửa Tùng - Cồn Cỏ, Vĩnh Linh - Cồn Cỏ... thì “Hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37 ly, lương thực, vật dụng đã được những chiếc thuyền gỗ chạy bằng buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra, đủ cho các chiến sĩ ngoài đảo sống không đến nỗi thiếu thốn và chiến đấu liên tục hai, ba năm. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu...”. Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, trở thành “chiến hạm không thể bị đánh chìm” giữa lòng Biển Đông của Tổ quốc. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kẻ thù đã tập trung cả không quân và hải quân bao vây đánh phá, dội hàng ngàn tấn bom đạn các loại xuống hòn đảo nhỏ này. Cứ mỗi héc-ta đất Cồn Cỏ hứng chịu trên 22,6 tấn bom, đạn; mỗi cán bộ, chiến sĩ đội trên mình 39,2 tấn bom, đạn. Có những ngày 28 lần địch tập kích bằng đường không; có những lúc pháo kích triền miên suốt đêm; có những thời điểm chúng dùng tàu chiến bao vây đảo suốt cả tuần liền; thậm chí phi công Mỹ khi đánh phá miền Bắc trở về, nếu không kịp cắt bom, chúng đều tìm cách trút hết xuống đảo. Cồn Cỏ có lúc tưởng chừng như bị san phẳng. Cùng với sự ác liệt của đạn bom, các chiến sĩ giữ đảo phải chịu đựng vô vàn những khó khăn, thiếu thốn về vũ khí, lương thực, thuốc men do cách trở với đất liền, với Vĩnh Linh; do địch bao vây đánh phá; đặc biệt là thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nhiều ngày liền bộ đội ta phải dùng chuối rừng để nhai chống khát.

Đi trên Cồn Cỏ hôm nay, lật giở những trang ký ức lịch sử bi tráng và hào hùng, mới thấy đất này sâu nặng những ân tình, ân nghĩa, máu thịt ruột rà với Vĩnh Linh, với miền Bắc. Xương máu các Anh hùng liệt sĩ đã nhuộm hồng Cồn Cỏ, hòa vào biển cả quê hương. Với những chiến công to lớn, Cồn Cỏ đã vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì; 3 Huân chương Quân công và hàng trăm phần thưởng cao quý khác; 6 cán bộ chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Thị tứ giữa Biển Đông

Cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị và ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị công bố mở cảng cá đảo Cồn Cỏ, cho phép được tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa, với cỡ tàu lớn nhất có thể cập cảng là 200CV, 300 tấn. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của đảo Cồn Cỏ trong lộ trình trở thành đảo du lịch, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của vịnh Bắc Bộ thuộc tỉnh Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng - an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, Cồn Cỏ được quy hoạch là một đỉnh trong tam giác phát triển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung nối với các quốc gia trong khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong chiến lược phát triển, Cồn Cỏ đã được quy hoạch trở thành đảo du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Huyện đảo Cồn Cỏ cũng đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết du lịch huyện đảo Cồn Cỏ, xây dựng đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ định hướng đến năm 2020 nhằm đưa ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng, chương trình kế hoạch kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh huyện đảo Cồn Cỏ, với các mục tiêu chính là tập trung xây dựng Cồn Cỏ thành điểm du lịch, trước hết và chủ yếu là du lịch sinh thái biển - đảo, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Không chỉ mang trong mình quá khứ hào hùng, tự thân đảo Cồn Cỏ đã là một “thiên đường nhỏ giữa Biển Đông” với sức hấp dẫn đến từ thiên nhiên, cảnh quan, sản vật độc đáo. Chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn hướng đến kết hợp với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để tạo thành sản phẩm du lịch liên hoàn, hấp dẫn của Quảng Trị.

Trong chuyến ra đảo lần này, Cồn Cỏ đón chúng tôi với gương mặt mới. Bên chân sóng giữa đại dương là một quần thể phố phường cảng thị hiện hữu đầy sức sống. Những con đường tít tắp ôm bóng cây xanh đi qua khu dân cư đầm ấm, qua những công sở khang trang, qua hồ chứa nước ngọt rộng lớn ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Khi đêm về, hệ thống đèn đường tỏa sang. Ánh điện sáng đã làm cho Cồn Cỏ rạng rỡ thêm giữa tĩnh mịch bốn bề sóng nước.

Ngày 1-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ với định hướng nơi đây trở thành một “huyện đảo du lịch”. Mười ba năm, câu chuyện đổi thay ở đất liền có thể dễ hình dung hơn ngoài đảo khơi, bởi để đưa được một cân thép, một bao xi măng ra đây là chuyện không dễ. Vậy mà giờ đây, một quần thể phố phường cảng thị đang hiện ra với những ngôi nhà mái ngói đỏ ôm viền quanh đảo từ bến Nghè lên bến Tranh, tới âu thuyền… Hai trục đường trung tâm đảo là trụ sở của các ban ngành, giữa trung tâm huyện là một hồ chứa nước vừa tạo cảnh quan môi trường vừa dự trữ nước ngọt cho cả đảo đủ sức dùng quanh năm, cùng với hệ thống giếng bơm nước ngọt có khắp các khu vực đảo. Đêm xuống, hệ thống đèn đường bật lên, từ ngoài khơi nhìn vào, dáng dấp một đô thị của Cồn Cỏ đã hiện ra dưới quầng sáng của đèn đường, của những dãy nhà cao tầng bên thềm đảo.

Những bạn trẻ thanh niên xung phong ra đảo từ năm 2002, nhiều người đã thành đôi, gắn bó với mảnh đất giữa trùng dương này. Với số vốn gần 1.000 tỷ đồng, nhiều công trình thiết yếu được đầu tư như cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở bảo vệ đảo, hệ thống điện, nước, giao thông...; các hoạt động dịch vụ đời sống cung ứng điện, nước, du lịch được khởi động; công tác bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái được tăng cường. Văn hoá xã hội được coi trọng, các thiết chế văn hoá được hình thành. Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn hoá thể thao được tổ chức thường xuyên đã phần nào đáp ứng nhu cầu tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa. Cồn Cỏ, bây giờ đã là một thị tứ giữa Biển Đông.

Khi chúng tôi có mặt trên đảo, Cồn Cỏ vừa đón nhận thêm 7 gia đình tình nguyện gắn bó với đảo. Họ đều là những cặp vợ chồng trẻ độ tuổi từ 25 đến 30. Anh Lê Văn Tuấn và vợ là Nguyễn Thị Hoài Giang là một trong 7 hộ gia đình "nhập” đảo từ tháng 5-2017, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở đã vào Vĩnh Linh đón các con. Ngôi nhà mà họ vừa dọn vào ở vẫn còn thơm mùi vôi, xinh xắn nhưng đủ diện tích sử dụng cho một cặp vợ chồng và 2 đứa con. Khi hỏi về thu nhập để đảm bảo đời sống, chị Giang cho biết, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ gạo một năm rưỡi và chi phí sinh hoạt 1,2 triệu/tháng/hộ trong năm đầu. Để có thêm thu nhập, ban ngày chồng chị vào rừng hái lá thuốc nam bán cho khách du lịch, buổi tối đi biển bắt cá… cuộc sống bước đầu ổn định.



Mong sớm có quyết định

Việc đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới ổn định đang được đặt ra rất cấp bách. Do chưa được nối lưới điện quốc gia nên việc cấp điện cho đảo Cồn Cỏ còn bị hạn chế bằng nguồn phát điện chạy máy diesel, do UBND tỉnh Quảng trị đầu tư từ năm 2009, với quy mô 2 máy phát tổng công suất 2x100 kVA vận hành độc lập thay phiên nhau và thời gian phát điện trung bình 15 - 17 giờ/ngày. Do máy phát điện có công suất thấp nên chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sinh hoạt trên đảo.

Để có điện đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt trên đảo, tháng 6 vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã điều chuyển một máy phát điện dự phòng lưu động loại 250kVA-230/400V-50Hz cấp điện 24/24h trên đảo, đồng thời, đã hoàn thành phương án tiếp nhận tài sản và quản lý bán điện trên đảo trình Bộ Công Thương và đang chờ Chính phủ quyết định.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cho biết, sau khi tiếp nhận, trước mắt, để đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và dân sinh trên đảo, ngành điện sẽ lắp đặt 2 máy phát 2x500kVA và tủ hòa đồng bộ; bổ sung thêm 2.500m đường dây hạ thế để phân tải; bổ sung thêm 3 bồn chứa dầu với khối lượng 20 tấn/bồn để cung cấp cho máy phát và dự trữ nhiên liệu đảm bảo đủ vận hành ít nhất 1 tháng; lắp đặt tủ điện phân phối hạ áp cho 4 xuất tuyến, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống chứa chất thải…

Do diện tích đất trên đảo hạn chế, năm 2018, EVN nghiên cứu lắp đặt thêm nguồn điện bằng năng lượng mặt trời trên các mái nhà, dự kiến, công suất từ 100-200kW; lắp bổ sung thêm một máy phát điện diesel 500kVA, đáp ứng nhu cầu phụ tải theo quy hoạch của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 có tổng công suất 2,77MW.

Cồn Cỏ không còn trong địa danh Vĩnh Linh cũng như là đứa con giỏi giang đã trưởng thành lập riêng cơ nghiệp, đấy là chuyện mừng, tuy nhiên, Cồn Cỏ sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn. Trước mắt là vấn đề cung cấp điện. Nếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu trên đảo, sẽ cần công suất 400kVA, thời gian qua, tỉnh chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng, nhưng mỗi năm, ngân sách tỉnh đã phải bù lỗ chi phí 1 tỷ đồng. Từ tháng 6, ngành điện điều chuyển một máy phát ra đảo để thí điểm cung cấp điện 24/24h, việc cung cấp điện được cải thiện rõ rệt, người dân đã có thể làm đá để bảo quản thức ăn trong thời gian mưa bão, bảo quản hải sản đánh bắt được khi chưa có phương tiện chở vào đất liền, các thiết bị thiết yếu khác phục vụ nhằm nâng cao đời sống như máy điều hòa nhiệt độ, bình đun nước nóng cũng sử dụng được… Song, việc thí điểm cũng chỉ được 1 tháng trong thời gian chờ quyết định của Chính phủ để bàn giao cho ngành điện. Bởi, nếu tiếp tục cung cấp điện 24/24h thì mỗi năm tỉnh Quảng Trị sẽ phải bù lỗ từ ngân sách khoảng 5 tỷ đồng và số tiền này thực sự là một khoản lớn đối với Quảng Trị.

Chia tay Cồn Cỏ - “chiến hạm xưa” chở đầy hoa thắng trận, và “chiến hạm nay” sẽ chở đầy những trọng trách xây dựng thành công huyện đảo Cồn Cỏ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh và đẹp về văn hóa, tôi tin với một niềm tin sắt đá vào thành công của Cồn Cỏ trong công cuộc đổi mới và xây dựng như đã từng tin, dù trong mưa bom bão đạn, quân và dân Cồn Cỏ “thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ánh điện nơi vọng gác Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.