(HNM) - Huyết áp là lực tác động của máu lên thành các động mạch. Trường hợp cường độ áp lực gia tăng hơn bình thường gọi là tăng huyết áp hoặc cao huyết áp.
Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và chỉ được xác định bằng cách đo huyết áp thông qua các thiết bị y tế. Việc đo huyết áp sẽ giúp tính được lượng máu đi qua các mạch máu của mỗi người và lượng sức cản mà máu đáp ứng trong khi tim đang bơm máu. Theo đó, động mạch càng hẹp, huyết áp càng cao. Chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và/hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương >= 90 mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Hữu Nghị, Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh cao huyết áp chia làm 2 loại là cao huyết áp nguyên phát (còn gọi là cao huyết áp vô căn, không rõ nguyên nhân) và cao huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng (tim, thận…).
Để phòng, chống bệnh cao huyết áp, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người trẻ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim để giúp giảm huyết áp cao. Việc kiểm soát tăng huyết áp ở mức bình thường giúp giảm nguy cơ biến chứng đặc biệt nguy hiểm như đột quỵ và tim mạch. Cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ngọt, rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
Ngoài ra, người trẻ cần tăng cường vận động giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc, giảm cân, đặc biệt có thể giúp giảm căng thẳng, giảm huyết áp một cách tự nhiên và tăng cường hệ thống tim mạch. Người trẻ nên cố gắng dành 150 phút mỗi tuần để hoạt động thể dục thể thao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.