Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ăn uống: Không phải chuyện đùa!

Hải Hà| 18/02/2013 05:41

(HNM) - Theo khảo sát mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi người Hà Nội đang ăn bình quân 150gr thịt/ngày, gần gấp đôi bình quân chung của toàn quốc (84gr/người/ngày).


Ăn nhiều, béo nhanh

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, so với vùng nông thôn, dân cư đô thị đang là nhóm "có vấn đề" về sức khỏe (thừa cân, béo phì). Tại khu vực đô thị ở Đông Nam bộ, cứ 3 người dân thì có 1 người thừa cân, béo phì (30%), gấp 3 lần khu vực nông thôn. Tại Hà Nội, do lượng thịt ăn vào bình quân hằng ngày gần gấp đôi mức bình quân chung toàn quốc nên tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ở mức 8-10%, trong khi bình quân toàn quốc là 5%; tỷ lệ người Hà Nội có hàm lượng mỡ máu cao gấp rưỡi so với các tỉnh, thành phố khác.

Nhân viên y tế tư vấn về dinh dưỡng trẻ em cho các bậc phụ huynh. Ảnh: Minh Hải


Nếu như trước năm 1995, Việt Nam hầu như chưa có người thừa cân, béo phì thì 10 năm sau, năm 2005, tỷ lệ này đã là 6,6%, đến năm 2008 đã ở mức 10%, tức là tăng trung bình 1%/năm. Vẫn theo PGS-TS Lê Bạch Mai, kết quả khảo sát cho thấy người Việt Nam chỉ ăn vào bình quân 1.925-1.930 kcl/người/ngày, vậy thì vì sao số người béo tăng nhanh? Căn nguyên của vấn đề ở đâu?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mức 1.925-1.930 kcl/ngày là con số bình quân chung. Thực tế, có những nhóm nạp vào đến trên 2.000kcl, thậm chí là 3.000kcl/người/ngày. Bên cạnh đó, lối sống tiện nghi như dùng ghế xoay, ô tô và xe máy, điều hòa nhiệt độ, thang máy… khiến người dân không có cơ hội để tiêu hao năng lượng. Hạn chế vận động được cho là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tăng cân. "Tiến hành khảo sát trong 25 năm qua, chúng tôi thấy lượng tiêu thụ gạo đã giảm. Năm 1985, mỗi người dân dùng 457gr gạo/ngày, đến năm 2010 chỉ còn 373gr. Nhưng thay vào đó, họ ăn các loại lương thực khác như mì ăn liền, bánh mì… đều thuộc nhóm không khuyến khích ăn nhiều. Trong khi đó, lượng rau xanh lại chưa được dùng đủ mức đã khuyến cáo". - Bà Lê Bạch Mai đưa ra thống kê.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người nên ăn 400gr rau xanh/ngày, tuy nhiên trong 25 năm qua, mức tiêu thụ của người Việt Nam luôn ở ngưỡng 200gr/người/ngày. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khác.

Lời khuyên dinh dưỡng mới

Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, năng lượng từ chất béo nên chiếm 20-25% năng lượng khẩu phần, vì cả thiếu và thừa lipit đều có thể dẫn tới hội chứng chuyển hóa, bao gồm các hiện tượng khác lạ về tim mạch, huyết áp, thể hiện trên lâm sàng là các bệnh đột quỵ, tăng huyết áp, đái tháo đường. Một phần người mắc hội chứng chuyển hóa ở Việt Nam là do năng lượng nạp vào nhiều nhưng ít hoạt động thể lực, một phần khác là do chuyển hóa đường máu. Rất dễ gặp ở các công viên, khu vui chơi công cộng hình ảnh người già hăng say thể dục, nhưng nhóm tuổi 25-40, nhóm đang bận rộn với sự nghiệp và thường đang khỏe mạnh, lại rất lười thể thao. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, ngay ở nhóm tuổi 25-34 đã có 8,3% nữ và 4,5% nam thừa mỡ; trong tương lai, nếu không năng tập luyện và kiểm soát ăn uống thì tất yếu dẫn tới béo bụng, thừa cân, béo phì.

Trước tình trạng số người thừa cân, béo phì và mắc hội chứng chuyển hóa gia tăng mạnh, Chiến lược Dinh dưỡng trong giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ Y tế đưa ra mục tiêu kiểm soát chế độ ăn, thay đổi lối sống và tăng cường các hoạt động thể chất. Các bác sỹ khuyến cáo, 30 phút đi bộ sẽ giúp tiêu hao được 100kcl năng lượng, 1 ngày có 1 giờ đi bộ sẽ tiêu hao được 200kcl và giúp kiểm soát cân nặng rất hiệu quả.

Đầu năm nay, Bộ Y tế đã ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng mới. Theo đó, so với lời khuyên dinh dưỡng trước đây, khuyến cáo mới hướng dẫn người dân tiêu dùng thực phẩm đa dạng, đủ 4 nhóm chất bột, đạm, béo, vitamin và muối khoáng; phối hợp thực phẩm từ nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá, đậu đỗ, ăn rau quả hằng ngày; cho trẻ bú mẹ sớm ngay trong 24 giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế rượu, bia, nước có ga và ăn uống đồ ngọt, không hút thuốc lá…

Béo phì làm cho người ta mất sự thoải mái trong cuộc sống, giảm hiệu suất lao động, kém lanh lợi, phản ứng chậm hơn người bình thường nên rất dễ bị tai nạn xe cộ cũng như tai nạn lao động. Béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ chính của các bệnh mạn tính như bệnh mạch vành, đái đường, sỏi mật. Ở phụ nữ mãn kinh, các nguy cơ ung thư túi mật, vú và tử cung cũng tăng lên ở những người béo phì. Còn ở nam giới béo phì, bệnh ung thư thận và tuyến tiền liệt hay gặp hơn. Tỷ lệ tử vong đối với những người béo phì cũng cao hơn, nhất là trong các bệnh kể trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn uống: Không phải chuyện đùa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.