(HNMCT) - Năm 2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, qua đó, tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong việc giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.
- Để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc, Hà Nội đã triển khai xây dựng vùng sản xuất và chuỗi cung ứng nông sản an toàn như thế nào, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT triển khai các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Đến nay, Hà Nội đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm với hơn 5.044ha sản xuất rau an toàn; duy trì hơn 1.300ha VietGAP rau quả, chè; 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản; 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi; gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn; hỗ trợ 45 cơ sở xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP với mục tiêu giảm thiểu mối nguy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
- Để minh bạch thông tin sản phẩm nông sản an toàn trên thị trường, Hà Nội đã đẩy mạnh việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố như thế nào, thưa ông?
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3-1-2018 về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.109 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn; đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội; 238 doanh nghiệp tại 41 tỉnh, thành phố với 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống, góp phần đạt chỉ tiêu 100% sản phẩm của 141 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn đã sử dụng QR code truy xuất nguồn gốc.
Hệ thống đang được mở rộng đối với các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, vùng trồng cây ăn quả chủ lực của thành phố và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất an toàn với Hà Nội. Cụ thể, có hơn 1.026 mã sản phẩm có nguồn gốc thuộc 34 tỉnh, thành phố, trong đó, sản phẩm của 18/21 tỉnh trong Ban điều phối phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã có sản phẩm tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của thành phố Hà Nội...
- Năm 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19, để quản lý chặt chẽ nguồn gốc các mặt hàng nông sản bán ra thị trường, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác lấy mẫu, giám sát an toàn thực phẩm như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, hoạt động lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm được tập trung vào sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày của người dân tại công đoạn có nguy cơ cao. Năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản lấy 2.607 mẫu giám sát (đạt 100% kế hoạch); đã phân tích 1.536 mẫu, trong đó có 1.421/1.536 mẫu (chiếm 90%) đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm; 115/1.536 (chiếm 7,4%) mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn. Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và yêu cầu khắc phục tại các cơ sở có mẫu vi phạm.
- Năm 2022, để quản lý chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
- Xác định an toàn thực phẩm từ gốc là nhiệm vụ then chốt nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Theo đó, Hà Nội thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ, quản lý phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, phối hợp với các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn cho thành phố; tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm; duy trì và phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng QR code truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản an toàn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.