(HNM) - Chiều 12-9 cả Hà Nội bàng hoàng trước thông tin 8 em học sinh Trường THCS An Mỹ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức chết đuối ở hồ Tuy Lai (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức).
Những tiếng nấc trong đêm
Đã 23h nhưng đường vào An Mỹ vẫn rầm rập người xe. Cứ đi độ dăm bảy trăm mét, chúng tôi thấy nhói đau bởi thấy những vòng hoa trắng, những tiếng khóc than xé lòng của người thân vì mất con, mất cháu. Dễ đến vài chục năm nay, cái làng quê yên ả này chưa bao giờ đau thương đến vậy. Chỉ trong một ngày, thậm chí trong nửa giờ đồng hồ, 8 em học sinh nữ của Trường THCS An Mỹ đã vĩnh viễn ra đi để lại nỗi đau day dứt không chỉ đối với gia đình, bạn bè, người thân mà cả các cấp chính quyền từ xã đến huyện.
Căn nhà nhỏ nằm ven đường thôn Tảo Khê của gia đình anh Mai Tuấn Long thường ngày đầy ắp tiếng cười, thế mà giờ đây đau thương đến tột cùng. Anh Long chị Loan sinh đôi được 2 cô con gái là Mai Lê Hồng Phúc và Mai Lê Hồng Phượng. Trong buổi chiều định mệnh, 2 cháu nhà anh cùng nhóm bạn đi tắm, may mắn cô em Hồng Phượng thoát nạn. Chính Phượng là người chứng kiến tận mắt từ đầu đến cuối sự việc nên mỗi lời em kể khiến cả dân làng òa khóc. Lúc đó vào khoảng 13h, Phượng cùng chị Phúc và 9 bạn nữ khác (đều là học sinh lớp 7, lớp 8 Trường THCS An Mỹ) rủ nhau ra hồ chứa nước Tuy Lai tắm. Tất thảy 11 em đều không biết bơi. Tuy nhiên đây là khu vực đập tràn, phía dưới láng xi măng nên có độ dốc thoải. Vừa tắm vừa té nước được một lát, 3 bạn rủ nhau đi ra xa bờ. Vì đáy đập có rêu trơn nên các em trượt ngã xuống vùng nước sâu. Thấy bạn đã bị nước nhấn chìm quá đầu, cả 8 em xô đến kéo tay bạn lên nhưng càng kéo càng chìm. Phượng và Tâm là hai học sinh đứng sau cùng nên vùng vẫy để quay lại bờ, còn 9 bạn đã chìm nghỉm. Đúng lúc đó, có một đôi nam nữ đi xe máy qua. Thấy Phượng hét to, nam thanh niên này nhảy xuống vớt được em Lê Phương Chinh đang nổi trên mặt nước. Sau khi hô hấp, em Chinh đã tỉnh. Biết không thể một mình cứu vớt được 8 em còn lại, nam thanh niên vội đi xe máy về gọi dân làng. Khi mọi người tới nơi, đưa được các em lên bờ thì cả 8 em đều đã tắt thở. Như vậy, trong số 11 học sinh có 8 em tử vong gồm: Bùi Thị Nhung, Trần Thị Lan Phương, Nguyễn Thị Chinh, Lê Thị Dung, Trần Thị Hồng Thơm (học sinh lớp 8B), Mai Lê Hồng Phúc (HS lớp 8A), Nguyễn Thị Trang (HS lớp 7A), Lê Thị Mỹ Duyên (HS lớp 7B). Ba em thoát nạn gồm: Mai Lê Hồng Phượng, Lê Phương Chinh, Nguyễn Thị Thanh Tâm.
Cả huyện bàng hoàng
Anh Mai Tuấn Long không còn khóc nổi nữa. Anh nói trong tiếng nấc: "Lúc tôi chuẩn bị đi dạy kèm cho mấy cháu trong xã thì nhận được điện thoại vội vàng chạy lên thì đã quá muộn rồi". Phúc vốn là đứa năng động, sôi nổi, ngoan ngoãn và luôn là học sinh giỏi nhiều năm nay. "Thế mà trời run rủi bắt nó phải chết thật oan ức" - anh Long nghẹn ngào. Chị Bạch Thị Dịu, người hàng xóm của gia đình anh Long cũng xót xa: "Con bé Phúc học cùng thằng thứ hai nhà tôi. Con bé vốn học giỏi. Bình thường chúng nó chơi rất thân với nhau và thường hay rủ nhau đi chơi. Nhưng hôm nay thì xảy ra cơ sự thế này đây". Kể lại sự việc, chị Dịu cho biết, lúc nhận được hung tin, chị chạy lên hồ Tuy Lai, thấy thằng Đạt, đứa lớn nhà chị đang ôm xác các em đưa lên bờ thì bủn rủn chân tay. Bình thường Đạt rất nhát, không bao giờ dám đi chơi đêm và rất sợ ma. Thế mà nó dám lặn xuống hồ để đưa các bạn lên khiến chị tưởng con nhà mình cũng đi tắm cùng các bạn, rồi xảy ra chuyện. Khi tôi hỏi thăm về Đạt, chị Dịu bảo: "Nó vẫn còn sợ nên ở nhà, chẳng dám đi đâu". Sang nhà chị Dịu, chưa hết bàng hoàng, Đạt kể, lúc đó chừng 3 giờ chiều, em đang chơi ở gần nhà thầy Long thì thấy có một anh đi xe máy đến nhà báo tin. Rồi vợ thầy Long rụng rời chân tay, nhờ Đạt đưa lên hồ Tuy Lai. Tới nơi, thấy Phúc và Chinh ngồi trên bờ, có nhiều em học sinh khác nhưng không ai dám xuống hồ vớt các em lên. Thấy vậy, Đạt vội vàng nhảy ùm xuống nước đưa được 2 em lên. Nguyễn Bá Toản cùng một người hàng xóm nhà anh Long cũng nhảy xuống hồ cứu người với Đạt. Thế nhưng, mọi việc đã quá muộn.
Rời thôn Tảo Khê, chúng tôi sang thôn Đoan Lữ, nơi mà chỉ một xóm nhỏ đầu thôn có tới 3 cháu gặp nạn. Rẽ vào nhà cháu Trần Thị Lan Phương, chúng tôi thấy thật xót xa và cám cảnh khi ông ngoại Phương cứ bần thần nhìn vào di ảnh của cô cháu gái. Ông bảo, nhà chỉ có 3 mẹ con. Bố cháu thì đi làm ăn mãi tận Sài Gòn. Từ bé, Phương đã ở cùng ông ngoại và rất ngoan, chăm học. "Hàng ngày, đi đâu nó cũng vào chào ông bà rồi mới đi. Thế mà hôm nay nó chẳng chào ông bà gì cả" - Ông lão gần 80 tuổi nói trong sự ai oán xót xa.
Trở về trụ sở UBND huyện Mỹ Đức đã hơn 24h đêm mà từng chòm xóm của thôn Tảo Khê, thôn Đoan Lữ vẫn rền rĩ tiếng kèn, trống. Đêm nay cả xã An Mỹ không ngủ vì xót thương cho 8 học sinh đoản mệnh. Ông Hoàng Mạnh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, ngay khi nhận tin, các ban ngành, đoàn thể của huyện Mỹ Đức đã đến thăm viếng, chia buồn với gia đình các em và trước mắt hỗ trợ mỗi nạn nhân 4 triệu đồng; Công an huyện Mỹ Đức hỗ trợ 2 triệu đồng, Phòng GD-ĐT huyện 1 triệu đồng và xã An Mỹ 1 triệu đồng. Cũng trong tối 12-9, Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức tới chia buồn với các gia đình.
Trở lại trung tâm huyện Mỹ Đức để viết những dòng chữ này, chúng tôi không biết làm gì hơn là gửi tới gia đình các em lời chia buồn sâu sắc nhất. Nhưng chúng tôi cũng mang theo những băn khoăn, thắc mắc như những lời oán trách của ông Nguyễn Bá Hợp, ông nội em Đạt - người trực tiếp lặn mò đưa xác 8 em nhỏ lên bờ: "Sao tụi nhỏ vẫn phải học ngoại khóa, phải học thể dục mà không được học bơi ở trong nhà trường hả chú ?".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.