(HNM) - Cuộc tập trận thường niên mang tên
Thông tin từ quân đội Ukraine cho biết, cuộc tập trận năm nay diễn ra tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình quốc tế Yavoriv, thuộc miền Tây nước này. Bắt đầu từ ngày 11 đến 23-9, cuộc tập trận có sự tham gia của 2.500 binh sĩ đến từ 15 nước, gồm Mỹ, Canada, Bulgaria, Georgia, Estonia, Italia, Latvia, Lithuania, Moldova, Na Uy, Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Rapid Trident được xem là câu trả lời của phương Tây đối với cuộc tập trận do Nga và Belarus tiến hành. |
Theo các nhà quan sát, động thái tập trận này nhằm tạo ra đối trọng với cuộc tập trận có tên Zapad 2017 (Phương Tây 2017) do Nga và Belarus tiến hành. Đại tá Michelle Baldanza, Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, chia sẻ với báo giới rằng, Mỹ đã triển khai sự hiện diện liên tục, luân phiên trên không, trên bộ và trên biển trong khu vực để hỗ trợ đồng minh, đây là phản ứng trước diễn biến bất ổn từ cuộc tập trận của Nga và Belarus. Cũng vì lẽ đó mà Rapid Trident diễn ra chỉ vài ngày trước khi Zapad 2017 bắt đầu.
Việc Nga không cho phép các nhà quan sát quốc tế giám sát Zapad 2017 dường như “đổ dầu vào lửa”, khiến các nước NATO càng tỏ ra lo ngại. Ngày 7-9, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã gặp Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Petr Pavel tại Azerbaijan để thảo luận về những quan ngại có liên quan.
Trong cuộc gặp này, ông Gerasimov khẳng định, cuộc tập trận giữa Nga và Belarus chỉ mang tính phòng thủ, không nhằm vào bất kỳ nước thứ 3 nào và được tổ chức để giúp Belarus thắt chặt an ninh. Trước đó, ngày 5-9, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng nêu rõ, cuộc tập trận chung chỉ nhằm mục đích phòng thủ, không có ý định tấn công bất cứ ai.
Việc NATO tỏ ra căng thẳng một phần do Zapad 2017 có quy mô huy động binh sĩ lớn chưa từng có. Thậm chí, Nga triển khai 2 tiểu đoàn xe tăng thuộc "Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1" nổi tiếng, vốn từng chiến đấu với quân Phát xít Đức ở Mặt trận phía Đông trong Chiến tranh Thế giới thứ II, sau đó đã tiến thẳng vào Berlin và trú đóng ở Tây Đức. Cuộc tập trận cũng trải rộng ở 6 địa điểm từ bán đảo Kola, phía Tây Bắc của Nga tới Belarus. Đây là cuộc tập trận đầu tiên được tổ chức trên địa bàn rộng lớn kể từ khi quan hệ giữa Nga và NATO xấu đi sau cuộc khủng hoảng Crimea.
Không thể phủ nhận, những lo lắng của Nga hoàn toàn có căn cứ khi từ đầu năm tới nay, NATO đã tiến hành 85 cuộc tập trận tại các khu vực giáp biên giới phía Tây với Belarus, huy động khoảng 120.000 lính. Mặt khác, ngày 11-9, cuộc tập trận Aurora 17 kéo dài 3 tuần đã bắt đầu tại Thụy Điển với sự tham gia của 20.000 binh sĩ (nhiều lực lượng trong số này đến từ các nước NATO).
Đây là điều khiến Nga càng lo ngại hơn, bởi nếu Thụy Điển gia nhập NATO sẽ gây bất lợi lớn đối với bài toán chiến lược của Điện Kremlin. Các nhà phân tích cho rằng, Zapad 2017 cũng có thể coi là tuyên bố của Nga với phương Tây về việc nước này vẫn đang sở hữu sức mạnh phòng vệ to lớn, và rằng, Mátxcơva sẽ luôn duy trì cảnh giác sau những bài học rút ra trong quá khứ.
Các bên đều đưa ra lý do "chính đáng" trong khi cộng đồng quốc tế lại tỏ ra lo ngại trước những bất thường trong việc tăng cường cả về quy mô lẫn quân số tập trận giữa hai lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Điều này hiển nhiên trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định, không chỉ trong khu vực diễn ra các hoạt động quân sự mà cả với quan hệ chính trị trên toàn cầu. Tập trận, bảo vệ phòng thủ là quyền của mỗi quốc gia cũng như các liên minh.
Tuy nhiên, nếu không kiềm chế và thận trọng, đây sẽ là "ngòi nổ" cho một cuộc chiến trên diện rộng - điều không một quốc gia yêu chuộng hòa bình nào mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.