Thịt hàu ngon và ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, đàn ông ai cũng thích vì vừa khoái khẩu vừa giúp tăng
Thực phẩm giàu dinh dưỡng
Thịt hàu chứa nhiều khoáng tố, các vitamin và hợp chất hữu cơ như: kẽm, protein, sắt, đồng, selenium, vitamin D, vitamin B1, B2, B3, B12, vitamin C, phốt pho, kali, các axít béo omega-3, các chất kháng ôxy hóa, cholesterol tốt, nước…
Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, có tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt.
Với phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh và phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu tốt cho sức khỏe. Thịt hàu cũng giúp khắc phục các chứng di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn ở nam giới.
Cụ thể, có thể kể đến một số tác dụng của hàu với sức khỏe như:
Cải thiện “bản lĩnh” đàn ông
Hàm lượng kẽm cao trong thịt hàu giúp làm tăng khoái cảm, khắc phục tình trạng nhược dương, rối loạn chức năng cương dương ở nam giới, giúp họ tự tin hơn trong quan hệ vợ chồng.
Thúc đẩy tuần hoàn máu
Hàm lượng sắt cao trong thịt hàu có tác dụng quan trọng trong việc kiến tạo hồng cầu, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng thiếu máu, thúc đẩy tuần hoàn máu.
Bảo vệ tim mạch
Hàm lượng axít béo omega-3 có trong hàu giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, làm giảm hàm lượng và ức chế “cholesterol xấu” trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu.
Trong hàu cũng chứa hàm lượng cao kali và magiê có tác dụng làm giảm huyết áp, giúp mạch máu thư giãn, tăng tuần hoàn máu. Lượng vitamin E cao trong thịt hàu giúp tăng cường và củng cố màng tế bào.
Tăng sức đề kháng
Do chứa hàm lượng cao vitamin C, vitamin E cũng như các loại khoáng tố có tính kháng ôxy hóa và kháng viêm cao.
Chính vì thế thịt hàu có tác dụng giúp cơ thể chống lại các gốc tự do (có thể tấn công vào tế bào, làm biến đổi ADN; góp phần gây ra các bệnh tim mạch, lão hóa…) và các sản phẩm phụ trong quá trình chuyển hóa.
Tăng cường cơ bắp
Thịt hàu chứa hàm lượng protein cao. Protein của hàu khi vào cơ thể được phân giải bởi hoạt động của các enzym và sẽ được tái cấu trúc thành những loại protein cần thiết cho từng bộ phận bên trong.
Điều náy sẽ giúp cơ thể thực hiện các hoạt động chuyển hóa, sửa chữa, tái tạo mô, giúp tăng trưởng tế bào, tăng cường cơ bắp và nhiều tác dụng khác.
Phòng ngừa loãng xương
Các khoáng tố có trong hàu như canxi, phốt pho, kẽm, sắt, đồng, selenium giúp làm tăng tỉ trọng và độ bền của xương, giảm bớt nguy cơ bị loãng xương của cơ thể.
Làm vết thương mau lành
Thịt hàu chứa nhiều kẽm nên có tác dụng làm vết thương mau lành. Kẽm cũng giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn, chống lại sự nhiễm trùng.
Nguy hiểm khôn lường nếu ăn hàu sống
Mặc dù thịt hàu mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng ăn hàu không đúng cách, đặc biệt là ăn hàu sống nhiễm khuẩn sẽ khiến bạn rước bệnh vào người.
Trường hợp của anh T.T.M trú tại quận Đống Đa, Hà Nội là một ví dụ. Theo báo chí đưa tin, có người họ hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội chơi mua biếu anh T.T.M mấy kilogam hàu và ngán.
Nghĩ rằng những thứ này nướng tái lên ăn rất ngọt và bổ nên anh M chỉ cho vào lò nướng qua trong vòng 10 phút. Để đãi người thân, gia đình anh lại làm thêm cả món tiết canh vịt.
Sau khi ăn tối khoảng mấy tiếng, bụng anh bắt đầu lên cơn đau, người toát mồ hôi và đi ngoài liên tục. Anh M nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, mặt tái xanh, chân tay lạnh ngắt, đi ngoài không ngớt.
Nguyên nhân gây ra việc anh ngộ độc chính là bởi những món ăn “tươi sống” hàu, ngán và tiết canh vịt.
Hay trường hợp của ông H.V. D., nhà ở phố Thái Thịnh, Hà Nội. Ông D làm ở quán hải sản, mỗi khi khách gọi đồ và còn thừa thì món hàu sống, tôm cuốn sống là khoái khẩu của ông, ông đều ăn hết.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị nhiễm ấu trùng giun lươn, cơ thể suy kiệt và phải nhập viện điều trị.
Ông hay đau bụng, đi ngoài, ăn uống không ngon, buồn nôn làm ông sụt cân khoảng 13kg, trên da còn có những vệt loằng ngoằng dài. Lúc đầu ông còn tưởng bị dị ứng nên đi khám da liễu nhưng không khỏi bệnh.
Theo Cục quản lý dược và thực phẩm khuyến cáo, hàu đứng ở vị trí khá cao trong bảng xếp hạng những món ăn mang lại nhiều rủi ro nhất.
Do hàu sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu, ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển... nên khó tránh khỏi tình trạng bị ô nhiễm.
Trong hàu chứa rất nhiều mầm bệnh. Thứ nhất là vi khuẩn Norovirus, có thể gây ra viêm ruột, viêm dạ dày. Thứ hai là Vibrio, một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu.
Vì vậy, cần tránh và hạn chế ăn hàu sống/tái, tốt nhất nên nấu chín đến khi hàu mở vỏ ra, nếu không mở thì nên bỏ đi sau khi nấu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Và nên mua hàu ở những cửa hàng hải sản uy tín.
Hàu vùng cửa biển và hàu ở những khu du lịch, nghỉ mát khi ăn cần cảnh giác, chọn lựa kỹ càng. Thực tế khu vực nghỉ mát và du lịch khó có thể chọn được hàu sống ngon, vì hàng ít nên tâm lý cứ ăn đại, vì vậy tính rủi ro cao.
Trong trường hợp muốn ăn hàu sống, để an toàn cho sức khỏe, nên mua hàu biển về, loại bỏ hết hàu chết, hàu ươn (vì loài nhiễm thể rất dễ bị nhiễm độc), và ngâm trong nước mặn, hoặc nước muối để hàu thải hết chất bẩn, rồi hãy ăn (ở chừng mực nhất định).
Khi ăn hàu sống, để không bị đau bụng nên dùng gia vị là mù tạp, tăng khẩu vị cho món ăn, rất hợp với hải sản, giảm độ tanh và nguy cơ đau bụng.
Nhưng do thành phần của mù tạt là tinh dầu ép từ hạt của cây cải bẹ, có vị cay nồng, tính ôn; bản chất mù tạt có tính kích ứng niêm mạc mắt gây chảy nước mắt, gây nóng rát trong vòm họng và kích thích niêm mạc đường mũi.
Vì vậy, không nên dùng nhiều mù tạt ăn với hàu. Đồng thời mù tạt kích thích cả niêm mạc dạ dày nên những người bị đau dạ dày, viêm ruột không nên ăn.
Mặt khác, trong thịt hàu có chứa hàm lượng cao các khoáng tố, nhất là sắt, kẽm và đồng – nên không lạm dụng, ăn thịt hàu quá nhiều không có lợi cho sức khỏe, thậm chí ngộ độc, gây bệnh.
Hàu có vị tanh, tính mát, có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nên những người có tỳ vị yếu, khó tiêu hóa hay đang bị tiêu chảy thì không nên ăn.
Một số cách chế biến hàu thành bài thuốc bổ dưỡng
1. Hàu luộc
Hàu (kể cả sò huyết) luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt lợi tiểu tán kết. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường.
2. Cháo hàu
Thịt hàu 50g, thịt trai 50g, gạo tẻ 100g. Nấu nhừ, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tăng huyết áp, nhức đầu chóng mặt, gan suy.
3. Canh hàu rau hẹ
Thịt hàu 150g, rau hẹ 60 - 120g, thêm gia vị, nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường.
4. Canh hàu ngao cà rốt đậu đỏ
Hàu, ngao, trai biển 200g, xuyên khung 15g, cà rốt 100g, đậu đỏ 100g. Nấu canh, vớt bỏ bã xuyên khung, thêm mắm, hành, bột ngọt và gia vị, chia vài lần ăn trong ngày, liên tục 5 - 7 ngày.
Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, sợ lạnh, sợ gió, tay chân lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.