(HNM) - Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), tính đến cuối năm 2011, số nợ đọng thuế xuất nhập khẩu (XNK) do ngành quản lý khoảng 5.218 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu đòi khá lớn.
Một trong những nguyên nhân phát sinh nợ xấu là do ý thức chấp hành pháp luật của các DN chưa cao. Qua 1.414 cuộc kiểm tra hoạt động tuân thủ của DN trong năm 2011, TCHQ đã truy thu 364,32 tỷ đồng, trong đó thu từ ấn định thuế là 345,67 tỷ đồng. Ngoài lý do ý thức chấp hành pháp luật của DN chưa cao, những bất cập trong chính sách quản lý thuế cũng là nguyên nhân khiến số nợ đọng thuế XNK không ngừng tăng cao.
Những bất cập trong chính sách quản lý thuế là một trong những nguyên nhân khiến nợ đọng thuế XNK. Ảnh: Khánh Nguyên |
Gian nan truy đòi nợ thuế
Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, XNK, những năm gần đây, Chính phủ đã có chính sách ân hạn thuế, ưu đãi thuế cho DN, các nhà đầu tư. Lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhiều DN đã trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số nợ xấu do ngành hải quan quản lý không ngừng gia tăng mỗi năm. Tại Chi cục Hải quan Long Bình Tân (Cục Hải quan Đồng Nai), công tác quản lý nợ thuế đã gặp phải không ít khó khăn. Đại diện chi cục cho biết, đơn vị hiện quản lý kho ngoại quan có quy mô lớn nhất cả nước. Do đặc thù của đơn vị là quản lý các DN có hoạt động XNK hàng hóa tại kho ngoại quan, nên đối tượng quản lý của chi cục thường xuyên biến động. Lợi dụng chính sách ân hạn thuế của Chính phủ, nhiều DN mở tờ khai hải quan, XNK hàng hóa, xin ân hạn thuế rồi tuyên bố phá sản, chủ DN bỏ trốn khiến công tác thu đòi nợ thuế rơi vào bế tắc.
Hai địa bàn thu thuế XNK lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là điển hình về sự phức tạp của việc thu nợ thuế hiện nay. Tính đến cuối năm 2011, số nợ thuế XNK do Cục Hải quan Hà Nội quản lý lên tới 623,1 tỷ đồng. Tình trạng DN lách thuế, trốn thuế, chiếm dụng ngân sách xảy ra khá phổ biến, song việc xử lý lại rất khó khăn. Trường hợp Công ty TNHH Hiệp Bình (phố Huế - Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Trên thực tế, DN này đã mở 5 bộ tờ khai nhập khẩu xe gắn máy tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (năm 2003), được hưởng ân hạn thuế nhập khẩu (do DN thuộc diện nhập hàng hóa để sản xuất). Hết thời hạn quy định, DN Hiệp Bình không nộp thuế. Hải quan Bắc Hà Nội đã phải phối hợp với cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản của DN để thu đòi nợ thuế song tài khoản của DN trống rỗng. Sau nhiều lần chuyển địa điểm kinh doanh, chủ DN Hiệp Bình đã bỏ trốn, để lại khoản nợ thuế lên đến hơn 5,3 tỷ đồng.
Những "kẽ hở" chính sách
Nhận xét về thực trạng thu đòi nợ thuế hiện nay, ông Đào Văn Liên, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, chính sách ân hạn thuế đang bị nhiều DN lợi dụng. Sau khi nhập khẩu một vài lô hàng và được nợ thuế theo quy định, DN sẽ tìm mọi cách trốn thuế, như thay đổi địa chỉ, tự động giải thể, thậm chí thành lập DN "ma" để tiện "biến mất" sau khi đã nhập khẩu hàng hóa…
Theo báo cáo của Cục Hải quan Bình Dương, Đồng Nai, khi nộp tờ khai nhập khẩu và hồ sơ đề nghị ân hạn thuế, nhiều DN FDI hoạt động kinh doanh tốt, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước, nên không có lý do gì mà không cho họ ân hạn thuế. Trong thời gian ân hạn, những DN này đã tăng cường nhập khẩu và có số nợ thuế rất lớn. Đến gần thời điểm phải nộp thuế, chủ DN bỏ về nước khiến cơ quan hải quan gặp khó khi thu nợ thuế.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng DN "xù" nợ thuế, TCHQ đã kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, TCHQ kiến nghị bổ sung quy định, hàng hóa XNK phải nộp xong thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng. Nếu chậm nộp thuế, DN phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp và phải chịu tiền lãi chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. Thời gian bảo lãnh do Chính phủ quy định cụ thể. Hết thời hạn bảo lãnh, nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền lãi chậm nộp, thì tổ chức bảo lãnh phải nộp thay số tiền thuế, tiền lãi chậm nộp.
Nhiều cán bộ làm công tác thu đòi nợ thuế trong ngành hải quan cho rằng, để khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách thuế nhập khẩu, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… không cho nợ thuế đối với hàng nhập khẩu. Một số nước khác vẫn cho phép nợ thuế, nhưng người nộp thuế phải có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thu hồi tiền thuế cũng như tiền lãi chậm nộp. Việc bảo lãnh nợ thuế là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm tình trạng thất thu thuế XNK hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.