(HNMO) - Ngày 1-2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã công bố ngân sách dành cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4-2021 và kết thúc vào ngày 31-3-2022, trong đó dành 2,2 nghìn tỷ rupee cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phúc lợi.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nirmala Sitharaman đã đề xuất tăng gấp đôi chi tiêu chăm sóc sức khỏe và phúc lợi lên 2,2 nghìn tỷ rupee (tương đương 30,1 tỷ USD). Khoản ngân sách này bao gồm cả kinh phí 641 tỷ rupee trong vòng 6 năm để phát triển năng lực của quốc gia về giáo dục và y tế.
Bà Nirmala Sitharaman cũng tuyên bố, Chính phủ Ấn Độ đã sẵn sàng để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch khởi động lại nền kinh tế. Ngân sách này sẽ cung cấp mọi cơ hội để nền kinh tế quốc gia tăng tốc nhằm đạt được tăng trưởng bền vững.
Chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác. Do đó, kế hoạch tăng ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe phù hợp với mong đợi của các chuyên gia kinh tế.
Ngân sách kể trên được công bố vào thời điểm triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ vẫn chưa chắc chắn. Nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á đã rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi năm 2020 do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Thống kê Ấn Độ thông báo, dữ liệu phân tích cho thấy nền kinh tế quốc gia vẫn giảm 7,7% trong năm tài khóa 2020-2021.
Ngân sách cũng sẽ phân bổ 350 tỷ rupee dành cho vắc xin Covid-19 và Chính phủ Ấn Độ cam kết chi thêm trong trường hợp cần thiết. Quốc gia này có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, với hơn 10,7 triệu ca được báo cáo.
Ngoài chăm sóc sức khỏe, ngân sách tập trung vào chi tiêu dành cho hệ thống cơ sở hạ tầng, cũng như việc thành lập một cơ quan tài chính với giá trị vốn hóa 200 tỷ rupee để hỗ trợ cho các khoản chi này.
Cũng theo Bộ trưởng Nirmala Sitharaman, thâm hụt 2020-2021, năm tài khóa sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2021, được chốt ở mức 9,5% GDP, vượt xa các mục tiêu đặt ra trong những năm gần đây trước khi dịch bệnh bùng phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.