(HNM) - Để
Theo đó, đêm 17-8, cảnh sát thủ đô New Delhi và nhà hoạt động xã hội này đã đạt thỏa thuận giải quyết bất đồng giữa hai bên, đồng ý để ông A.Hazare tuyệt thực 14 ngày thay vì 7 ngày theo đề xuất ban đầu tại Quảng trường Ramlila Maidan. Và nhà hoạt động xã hội 74 tuổi này đã bắt đầu tuyệt thực từ 3 giờ chiều 18-8 để phản đối dự luật Lok Pal chống tham nhũng do chính phủ soạn thảo, bị dư luận chỉ trích là mềm yếu và đòi Quốc hội Ấn Độ thông qua một đạo luật cứng rắn chống tham nhũng.
Theo ý định ban đầu, ông A. Hazare sẽ tuyệt thực cho đến chết để yêu cầu chính phủ đệ trình một dự luật chống tham nhũng cứng rắn hơn. Giữa lúc sự phẫn nộ của người dân đối với nạn tham nhũng đang trở thành sức ép ngày một lớn đối với chính phủ, đặc biệt sau hàng loạt vụ bê bối bòn rút hàng chục tỷ USD công quỹ trong vài tháng qua thì hành động của ông A.Hazare đã làm dấy lên một làn sóng biểu tình chống tham nhũng lan rộng tại hầu hết các bang và các thành phố lớn của Ấn Độ. Giới truyền thông mô tả, sự giận dữ của người dân với tham nhũng chưa bao giờ mạnh mẽ như thế. Hôm 17-8, hàng chục nghìn người đã diễu hành trên đường phố New Delhi. Những hành động tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố ở khắp Ấn Độ như Mumbai, Chennai, Bangalore, Kolkata. Các nhà tổ chức cho biết, khoảng 60.000 đến 70.000 người đã tham gia sự kiện này. Các cuộc biểu tình đã gây bất ngờ khiến chính phủ khó xử lý. Ban đầu, 2.600 người tham gia ủng hộ ông A. Hazare đã bị cảnh sát bắt giữ, nhưng sau đó tất cả đều được thả.
Khi người dân cho rằng chính phủ chưa ra tay đủ mạnh với tệ quan liêu, tham nhũng được xem là nguyên nhân làm giảm nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế thì hành động của ông A. Hazare được ví như một biểu tượng chống tham nhũng tại Ấn Độ. Hồi tháng 4 năm nay, nhà hoạt động xã hội này cũng đã tuyệt thực 4 ngày để buộc chính phủ đưa ra dự luật thành lập một cơ quan giám sát tham nhũng mang tên Lok Pal. Cơ quan này sẽ được trao quyền điều tra các quan chức chính phủ dính líu đến tham nhũng. Bởi theo đánh giá của nhiều tổ chức, tệ tham nhũng ở Ấn Độ đang xếp thứ 87/178 quốc gia.
Một số chính trị gia ở Ấn Độ không tán thành việc chống tham nhũng bằng cách tuyệt thực, bởi cho đây là một kiểu "hăm dọa để buộc chính phủ thực hiện các yêu sách cá nhân". Bởi vậy, dư luận cho rằng, cách giải quyết làm dịu tình hình như hiện nay của New Delhi là hợp thời, tiếp sau những bước đi cần thiết khác để an lòng dân chúng. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ hôm 15-8, Thủ tướng Manmohan Singh đã cam kết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn nhất nhằm loại trừ tệ nạn này, để chống tham nhũng có hiệu quả cần có những hành động đồng bộ khác như tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp, đẩy mạnh vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng…
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tại một số bang quan trọng ở Ấn Độ trong năm 2012 đang tới gần, hơn nữa, uy tín của ông M.Singh đang bị giảm mạnh sau khi hàng loạt vụ bê bối tham nhũng trong giới quan chức cấp cao bị phanh phui, dư luận cho rằng, nếu giải quyết được triệt để vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ New Delhi sẽ giành được niềm tin của công chúng, có được những lá phiếu quan trọng của cử tri.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.