(HNM) - Cho dù có sự xa cách về địa lý nhưng với những tiềm năng và vị thế quan trọng, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ có động lực để thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, đặc biệt trong bối cảnh môi trường quốc tế có nhiều biến động. Cuộc họp Nhóm chiến lược Ấn Độ - EU vừa kết thúc đã đề ra những lộ trình nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, trên cả bình diện song phương lẫn đóng góp cho sự phát triển toàn cầu.
Trong các cuộc trao đổi, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh, EU là đối tác có thể mang đến những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất cho Ấn Độ trong tiến trình cải cách sâu rộng. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Ấn Độ cũng cho rằng, sự hợp tác có thể diễn ra dưới nhiều hình thức và theo nhiều cách thức. Hai bên có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong sản xuất vắc xin phòng Covid-19 và năng lượng tái tạo, kết hợp hài hòa các mối quan hệ đối tác phát triển từ châu Phi đến vùng Caribbean và các đảo ở Thái Bình Dương, góp phần mang lại một tiến trình toàn cầu hóa công bằng hơn và chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn.
Mối quan hệ tương lai giữa Ấn Độ và EU sau đại dịch Covid-19, giải trừ vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, hợp tác vũ trụ và kiểm soát xuất khẩu cũng là những nội dung quan trọng trong thảo luận. Hai bên nhất trí cho rằng, vai trò của quan hệ đối tác Ấn Độ - EU đối với thế giới ngày càng to lớn hơn, khẳng định khả năng hợp tác giữa hai bên sẽ giúp định hình “các kết quả toàn cầu”. Là hai thể chế có số lượng dân cư đông nhất thế giới khi kết hợp, EU và Ấn Độ cũng chia sẻ cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, phát triển bền vững và thương mại mở.
Diễn biến tích cực của cuộc họp lần này tiếp tục nối dài những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và EU. Trước đó, vào tháng 7 năm nay, hai bên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đánh dấu chương mới về mở rộng quan hệ đối tác chiến lược song phương trên một loạt lĩnh vực. Với Ấn Độ, EU có tầm quan trọng chiến lược và là đối tác thương mại lớn nhất. EU chiếm tới 11,1% tổng giao dịch thương mại của quốc gia Nam Á, “ngang ngửa” với Mỹ và vượt trên Trung Quốc, hiện ở mức 10,7%. Kim ngạch thương mại hai chiều trong tài khóa 2018-2019 đạt 115,6 tỷ USD. Hai bên cũng đang từng bước nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương, một động thái chưa từng có về phía New Delhi kể từ năm 2012. Điều này cho thấy tầm quan trọng của EU trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ.
Trong khi đó, đối với EU, Ấn Độ là một cường quốc có ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá có vai trò địa chính trị quan trọng. Dẫu rằng trên thực tế, EU chưa đề ra một chính sách đối ngoại và an ninh cụ thể đối với khu vực này nhưng các thành viên của khối ngày càng ý thức rõ hơn về một chiến lược hành động chung. Đức trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU vừa công bố chính sách hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp, quốc gia có tiếng nói đầy trọng lượng trong liên minh kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đã tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên với các đối tác Ấn Độ và Australia mà trọng tâm là nhấn mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vì vậy, về tổng thể, mối quan hệ Ấn Độ - EU đang ngày càng được định hình rõ nét khi cả hai chia sẻ những lợi ích chung trong nhiều vấn đề chiến lược. Hai bên đang nỗ lực thúc đẩy việc hoàn tất hiệp định thương mại tự do song phương, vốn đình trệ từ năm 2007. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp sự gắn kết giữa hai bên thực sự cất cánh, phát huy hết tiềm năng, đồng thời đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.