Hàng loạt vụ cháy tòa nhà và cháy rừng, với hơn 300 trường hợp được báo cáo ở thủ đô New Delhi trong năm nay đang dẫn đến những lời kêu gọi khẩn cấp về việc thực thi các quy định phòng cháy, chữa cháy chặt chẽ hơn.
Ấn Độ không thiếu các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng các đám cháy đã lan rộng khắp đất nước một phần do tình trạng coi thường các quy tắc này cũng như kế hoạch kém và nhận thức thấp.
Tháng trước, một vụ hỏa hoạn tại một bệnh viện nhi ở New Delhi đã cướp đi sinh mạng của 6 trẻ sơ sinh. Một bình oxy đã phát nổ, biến nhiều phần của tòa nhà thành đống đổ nát khiến 12 trẻ em cùng gần 10 nhân viên mắc kẹt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện ra những vi phạm trong quy định xây dựng, thiếu nhân viên được đào tạo và không có công cụ chữa cháy.
Khi ngọn lửa nhấn chìm bệnh viện, những người ở các tòa nhà lân cận cũng lo sợ cho sự an toàn của chính họ.
Các nhà phân tích cho biết nhu cầu điện lớn trong mùa hè và thiếu dụng cụ chữa cháy cũng là những vấn đề chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng. Theo các chuyên gia, các nhà chức trách sẽ phải đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong khi người dân phải tự nhận thức về những rủi ro. Các quy định an toàn của Ấn Độ bao gồm yêu cầu lối thoát hiểm thích hợp, trang bị bình chữa cháy và thậm chí giới hạn chiều cao của các tòa nhà để đảm bảo lính cứu hỏa có thể tiếp cận các mái nhà.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc thực hiện các chính sách và kế hoạch này mới là vấn đề. “Ví dụ, rất nhiều khu vực ở Delhi chưa được quy hoạch. Đó chắc chắn là một nguyên nhân gây lo ngại vì các khu vực chưa được quy hoạch không có không gian cần thiết để tiếp cận và thông gió. Ở đó, việc cung cấp cứu trợ sau thảm họa rất khó khăn”, nhà quy hoạch đô thị Adarsh Kapoor cho biết.
Trên khắp Ấn Độ, một số người đã bị bắt giữ vì coi thường luật an toàn phòng cháy, chữa cháy. Dây cáp điện chạy chằng chịt cũng đã trở thành cảnh tượng phổ biến ở nhiều nơi ở Ấn Độ. Chúng có thể nhanh chóng trở thành ngòi nổ cho đám cháy và dễ bị hư hại hơn khi ở ngoài trời. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao càng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, các trạm cứu hỏa ở Delhi đã phản hồi hơn 330 cuộc gọi. Trong khi cả năm 2023 các trạm cứu hỏa tiếp nhận có 550 cuộc gọi.
Đợt nắng nóng năm nay, với nhiệt độ thường xuyên tăng trên 45 độ C, đã khiến mức tiêu thụ điện của Delhi tăng vọt. Ông Kapoor cho biết các bộ điều hòa không khí và dây điện có thể bị hỏng khi nhiệt độ tăng. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân lo ngại những đám cháy tồi tệ hơn sắp xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.