(HNMO) - Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang bị bao phủ trong lớp khói mù dày đặc độc hại ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Chính phủ nước này vừa phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe khi nồng độ khói bụi đã vượt mức nguy hiểm nhiều lần, ảnh hưởng tới 20 triệu dân tại thành phố.
Theo Hệ thống dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR), mật độ bụi mịn PM2.5 đo được đầu tháng 11 tại New Delhi là gần 900 microgram/m3, cao hơn nhiều so với mức "nguy hiểm" là 500 microgram/m3. Trong khi đó, chỉ số an toàn với sức khỏe theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tối đa 25 microgram/m3. Một chỉ số khác cũng ghi nhận chất lượng không khí ở New Delhi từ tháng 10 đến tháng 11 đã suy giảm 7 lần.
Thủ đô của Ấn Độ từng bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, một "danh hiệu" mà không nơi nào muốn nhận. Nhưng năm nay, tình hình nghiêm trọng đến mức Thủ hiến thành phố, ông Arvind Kejriwal đã phải dùng từ "phòng hơi ngạt" để nói về bầu không khí mà người dân nơi này đang phải hít thở mỗi ngày. Theo các quan chức New Delhi, nguyên nhân của tình trạng trên là việc nông dân tại các bang lân cận đốt rẫy sau thu hoạch, khí thải từ hàng triệu phương tiện, khói bụi từ các công trình xây dựng và việc đốt pháo hoa tại Lễ hội Ánh sáng Diwali gần đây. Tất cả đã kết hợp lại và tạo thành một "cơn bão ô nhiễm kinh hoàng".
Nhà chức trách New Delhi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và đưa ra nhiều biện pháp ứng phó. Các trường học tạm thời đóng cửa, các công trình xây dựng tạm ngừng hoạt động. 5 triệu chiếc khẩu trang đã được phân phát để hỗ trợ người dân đối phó với ô nhiễm không khí. Biện pháp "biển số chẵn - lẻ" được áp dụng trong vòng 2 tuần. Theo đó, xe mang biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ nhằm giảm 1,2 triệu phương tiện lưu thông mỗi ngày tại thành phố. Những chủ phương tiện vi phạm sẽ bị phạt 4.000 rupee, tương đương 56 USD.
Máy lọc không khí cũng được bố trí tại các địa điểm gần đền Taj Mahal, cách New Delhi khoảng 250km về phía Nam nhằm làm sạch bầu không khí tại công trình kiến trúc mang tính biểu tượng quốc gia này. Hạn chế ra đường cũng là việc người dân thành phố được khuyến cáo khi màn khói bụi xám xịt hoặc cam đục bao phủ khắp nơi. Dẫu vậy, việc ở nhà cũng không ngăn ngừa được 100% khói bụi khi bụi mịn vẫn có thể len lỏi qua các khe cửa và xâm nhập vào cơ thể con người.
Hiện các biện pháp trên được đánh giá là chỉ mang tính tạm thời trong giai đoạn cao điểm tháng 10 và tháng 11 bởi thời gian còn lại trong năm, chất lượng không khí ở New Delhi vẫn luôn ở mức xấu, trừ vài tuần trong mùa mưa. Chỉ số ô nhiễm trung bình ở thành phố từ tháng 1 đến tháng 9 hằng năm thường nằm trong ngưỡng 100-200, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12, chất lượng không khí sẽ giảm đi nghiêm trọng và chỉ số này có thể vượt mốc 500. Trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 người tại New Delhi thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Những giải pháp lâu dài cho vấn đề ô nhiễm không khí vẫn là điều người dân Ấn Độ mong mỏi. Các chuyên gia cho rằng chính quyền New Delhi cần hành động quyết liệt hơn để giải quyết thảm họa này. Bà Anumita Roy Chowdhury thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi nhận định, thành phố cần cắt giảm mức độ ô nhiễm thêm 65% để đạt tiêu chuẩn không khí sạch và đây thực sự là một thách thức không nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.