(HNM) - “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”! Đó là điều các cụ xưa răn dạy đấng “tu mi nam tử”. Xã hội ngày càng phát triển và có những thay đổi nên có thể những lời răn dạy xưa có những “biến thể”. Dẫu vậy, “an cư lạc nghiệp” vẫn luôn là yêu cầu, đòi hỏi vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình.
(HNM) - “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”! Đó là điều các cụ xưa răn dạy đấng “tu mi nam tử”. Xã hội ngày càng phát triển và có những thay đổi nên có thể những lời răn dạy xưa có những “biến thể”. Dẫu vậy, “an cư lạc nghiệp” vẫn luôn là yêu cầu, đòi hỏi vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình. Quả là, nếu không có chỗ “chui ra, chui vào”, thật khó có thể bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động cho ngày mới. Khi bìu ríu vợ con, việc thiếu chỗ “an cư” còn ảnh hưởng tới công việc của người lớn, học hành của trẻ nhỏ.
Tích cực lao động, tích cóp để “an cư” luôn là mục tiêu của số đông người lao động, đặc biệt là những người phải rời xa quê hương lên thành thị kiếm sống. Dẫu vậy, để “an cư” nơi đô thành luôn không hề đơn giản. Với những hộ phải giải tỏa phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư, dù đã có chính sách bồi thường phù hợp, chuyện “an cư” chưa hẳn đã thuận lợi. Đơn giản, ở đô thị, ngoài chỗ ở, còn đòi hỏi những điều kiện sống tối thiểu, tưởng đơn giản, nhưng nếu thiếu sẽ vô cùng khó khăn như: Điện, nước, trường học… Vì thế, mới đây, ngày 2-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ vậy, đã đủ thấy chuyện “an cư lạc nghiệp” quan trọng tới mức nào.
Trở lại chuyện tái định cư ở TP Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa rất cao, việc di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng xã hội, khu đô thị diễn ra dồn dập. Áp lực rất lớn cho cả người dân và các cấp chính quyền. Thành phố luôn nỗ lực để người dân có nơi ở mới “tối thiểu không kém chỗ ở cũ”. Các sở, ngành, quận, huyện đã nỗ lực thực hiện tốt nhất theo tinh thần chỉ đạo của thành phố. Dẫu vậy, ở nơi nọ, nơi kia vẫn còn những vấn đề khiến người dân trong diện tái định cư chưa hẳn hài lòng. Theo phản ánh của báo chí và các đoàn giám sát của HĐND thành phố, vẫn còn những tồn tại, điều kiện sống chưa bảo đảm tại một số khu chung cư, trong đó có cả các tòa nhà tái định cư. Đó là chất lượng xây dựng chưa bảo đảm, còn lún sụt, ẩm mốc, rò rỉ, chưa bảo đảm điều kiện phòng cháy chữa cháy,… Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm nguồn nước, rác thải; hoặc thiếu những hạ tầng xã hội khác. Vẫn biết, không dễ để lo liệu chu toàn mọi bề, nhưng thật buồn.
Trong năm 2016, toàn thành phố cần 1.700 căn hộ tái định cư để đáp ứng nhu cầu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thấy việc đầu tư nhà ở tái định cư bằng vốn ngân sách hay hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) có phát sinh những bất cập, hạn chế, thành phố đã có cơ chế đặt hàng nhà ở thương mại để bán cho các hộ dân tái định cư, trong đó ưu tiên sử dụng nhà ở xã hội để tái định cư nhằm tăng chất lượng nhà ở, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách.
Với cách làm này, thành phố sẽ chủ động hơn trong việc bố trí nhà tái định cư, phù hợp với tiến độ, đòi hỏi của từng dự án. Không những vậy, cơ chế đặt hàng sẽ khiến các cơ quan, đơn vị tăng tính trách nhiệm, bảo đảm chất lượng công trình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân thêm sự lựa chọn nơi ở, để "an cư lạc nghiệp" với chất lượng cuộc sống tốt hơn. Sâu xa hơn, về lâu dài, bộ mặt đô thị cũng sẽ đẹp hơn nhờ giảm hẳn những tòa nhà cao tầng chất lượng thấp mang tên tái định cư mà "ở thì dở, bỏ thì tiếc".
Tin tưởng rằng, chủ trương mới với những ưu điểm mới sẽ sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.