Theo dõi Báo Hànộimới trên

An cư, lạc nghiệp!

Đỗ Quỳnh Chi| 07/09/2017 06:50

(HNM) - Đời sống công nhân ở nhiều khu công nghiệp đối mặt với không ít khó khăn. So với mức sống trung bình, lương của công nhân mới chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.


Sự thiếu thốn của đời sống công nhân tại các khu công nghiệp không chỉ là vấn đề riêng Hà Nội mà là câu chuyện chung cả nước. Cụ thể là các vấn đề an sinh xã hội: Nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chăm sóc y tế, nhà trẻ cho con em công nhân… hiện rất thiếu. Không chỉ thế, đời sống tinh thần của công nhân hiện chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các doanh nghiệp chưa thiết kế khu vui chơi giải trí để người lao động thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Thậm chí, chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội, việc chăm sóc sức khỏe cho công nhân chưa được quan tâm đúng mức.

Đó là những thực tế đáng lo ngại.

Tại Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất nhấn mạnh một giải pháp quan trọng là: Tăng dần ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân lao động.

Do đó, nhiệm vụ cấp thiết lúc này là cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Các bộ, ngành trung ương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân. Các địa phương có khu công nghiệp quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Riêng đối với doanh nghiệp và doanh nhân cần quan niệm rằng, đời sống công nhân tốt lên cũng đồng nghĩa với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó mới có sự hợp tác tốt đẹp của đôi bên.

Vì thế, ngoài việc tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động, cũng cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường học, bệnh viện, thư viện, khu vui chơi thể thao, tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia trong việc bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân… Nếu cơ chế chưa thuận lợi cần kiến nghị để sớm được gỡ bỏ, xem đây là khoản đầu tư vì mục đích an sinh xã hội lâu dài.

Về phía người lao động cũng cần liên tục tự nâng cao trình độ đáp ứng nhịp độ phát triển sản xuất mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng được hiện thực hóa. Cùng với đó, Nhà nước sớm xây dựng, ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân. Ngoài ra là các chính sách ưu đãi để người lao động thu nhập thấp có thể thuê hoặc được mua nhà ở, giải quyết triệt để vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp…

Đã đến lúc việc xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân khu công nghiệp phải được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đặc biệt là thiết thực với đời sống công nhân, tương xứng với những cống hiến họ đã đóng góp cho xã hội hôm nay. Có “an cư” mới nói đến chuyện “lạc nghiệp”, từ đó sẽ khuyến khích người lao động hăng hái làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An cư, lạc nghiệp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.