Theo Bộ Y tế, bệnh giun sán liên quan nhiều đến vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống và tập quán ăn uống.
Trong đó, bệnh chủ yếu truyền qua thực phẩm liên quan chặt chẽ đến tập quán ăn uống như: Ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ... bị nhiễm phải ấu trùng hoặc trứng giun sán.
Bệnh giun sán do các ký sinh trùng nhiễm vào thực phẩm, nước uống… được đưa vào trong đường tiêu hóa của con người ở dạng ký sinh trùng trưởng thành, trứng hoặc ấu trùng, rồi phát triển nhân lên. Giun sán là loại sống ký sinh trên một vật chủ sống, chúng hấp thụ chất dinh dưỡng ở cơ thể vật chủ và làm cho vật chủ trở nên còi cọc, thiếu máu, suy nhược cơ thể. Ngoài ra còn có thể gây tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, giun chui ống mật, ho ra máu do sán lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não hoặc tổn thương các cơ quan, tổ chức trong cơ thể. Các loại giun sán thường gặp ở người là: Giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim và sán lá gan. Hầu hết giun sán không gây miễn dịch bảo vệ nên sau khi khỏi người bệnh vẫn bị tái nhiễm.
Để phòng, chống bệnh giun sán, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân phải tuyệt đối giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống sôi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, thịt tái, các loại gỏi cá, nem chua sống, thịt bò tái, đối với các loại rau sống cần phải ngâm rửa kỹ trước khi ăn. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ. Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em trên 2 tuổi và người lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.