Theo dõi Báo Hànộimới trên

Âm nhạc Việt Nam với ước mơ ''cất cánh''

Thụy Du| 23/01/2022 06:14

(HNM) - Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước do đại dịch Covid-19, hoạt động âm nhạc Việt Nam vẫn có những bước chuyển mình đáng khích lệ, ghi một số dấu ấn trong đời sống âm nhạc trong và ngoài nước. Đây là bước tạo đà quan trọng để âm nhạc Việt thực hiện ước mơ "cất cánh", vươn xa trong thời gian tới.

Ca khúc mới “Đẹp nhất bông sen” của nhạc sĩ Trương Quang Lục được đánh giá cao về chất lượng cũng như sức lan tỏa.

Nỗ lực ghi dấu ấn

Thời gian gần đây, giới âm nhạc đã nỗ lực tìm những con đường mới để hoạt động, sáng tạo và đã đạt được nhiều dấu ấn. Có thể thấy rõ điều này ở Giải thưởng âm nhạc năm 2021 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với 176 tác phẩm mới của các tác giả trên cả nước tham gia, đa dạng thể loại như thanh nhạc, ca khúc thiếu nhi, ca khúc nghệ thuật, giao hưởng, hợp xướng, thính phòng…, giải thưởng xuất hiện nhiều tác phẩm xuất sắc.

Tiêu biểu là ca khúc “Voi không đuôi” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn thôi thúc tình yêu thiên nhiên, môi trường. “Cánh chim Việt Bắc” của nhạc sĩ Lê Anh Hà đậm chất liệu dân gian, hay “Xây dựng nông thôn mới” (Bùi Thanh Tú) đầy hơi thở cuộc sống đương đại. Đặc biệt, lấy cảm hứng từ câu ca quen thuộc “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, nhạc sĩ Trương Quang Lục viết nên bài hát “Đẹp nhất bông sen”, vừa ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa nhắc nhở các thế hệ làm theo lời Bác dạy với giai điệu rộn ràng, cuốn hút. Ngoài giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ca khúc còn đoạt giải thưởng xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 2021.

Ở lĩnh vực khí nhạc, gần đây có tác phẩm hòa tấu nhạc cụ phương Tây với bộ gõ dân tộc nhập “Vãng cổ du ca” (Nguyễn Ngọc Tú); tứ tấu đàn dây “Dòng sông quê hương” (Đoàn Nguyên Hiếu); giao hưởng thơ “Trường Sa và mẹ” (Lê Quang Vũ)... đã tạo dấu ấn. Năm nay cũng xuất hiện các tác phẩm thính phòng dành riêng cho trẻ em và âm nhạc cho thiếu nhi cũng dày thêm với những tác phẩm tốt, như: Tổ khúc piano cho thiếu nhi “Tranh tượng dân gian 12 con giáp” (Trần Thế Bảo), “Thắp sáng những ngôi sao tương lai” (Trần Nhật Bằng)...

Âm nhạc trẻ cũng đang tìm được nhiều hướng đi mới trên nền tảng số và vươn ra quốc tế. Nổi bật là nhạc sĩ, ca sĩ Mỹ Anh - con gái của bộ đôi nghệ sĩ Anh Quân và Mỹ Linh, với khả năng sáng tác, sản xuất, biểu diễn nhạc cụ và hát. Những tác phẩm “Got you” (“Có anh”), “Yên”… của Mỹ Anh thu hút lượng lớn người nghe trên mạng xã hội. Cô còn tạo đột phá khi đại diện cho Việt Nam trình diễn tại Lễ hội âm nhạc “Head in the clouds” của 88rising - hãng sản xuất âm nhạc danh tiếng của Mỹ, hồi tháng 11-2021 và sự kiện Round Music Festival 2021 - Lễ hội âm nhạc các nước ASEAN - Hàn Quốc vào ngày 9-1-2022. Ca  sĩ nhạc rap Nguyễn Đức Cường (Đen Vâu) tiếp tục khuấy đảo đời sống âm nhạc với những ca khúc “Mang tiền về cho mẹ” cùng ca sĩ Nguyên Thảo, “Đi về nhà” cùng ca sĩ Justa Tee… Các nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP, Đức Phúc, Erik, Amee… cũng tích cực mang sức trẻ và nhiệt huyết đến khán, thính giả thông qua những sản phẩm âm nhạc mới. Các nữ ca sĩ Mỹ Tâm, Văn Mai Hương, Bích Phương… cũng xuất hiện tại Quảng trường Thời đại (Mỹ) trong chiến dịch tôn vinh cá tính và màu sắc âm nhạc nổi bật của những nghệ sĩ nữ trên toàn thế giới mang tên EQUAL...

Một cảnh trong video âm nhạc “Mang tiền về cho mẹ” của ca sĩ nhạc rap Nguyễn Đức Cường (Đen Vâu) đang tạo được dấu ấn với công chúng.

Chuyển động theo hướng tích cực

Thời gian qua, dịch Covid-19 khiến hoạt động âm nhạc Việt khá trầm lắng. Nhiều chương trình biểu diễn, dự án âm nhạc phải tạm hoãn, nhưng các nghệ sĩ vẫn lạc quan cống hiến. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định, là nghệ sĩ phải liên tục sáng tạo để tìm ra những điều thú vị cho bản thân và chia sẻ với công chúng. “Trong thời gian khó khăn này, thông qua âm nhạc, tôi mong muốn mọi người hãy yêu thiên nhiên, yêu văn hóa hơn. Vì chỉ có tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và những yếu tố thuộc về văn hóa mới giúp chúng ta tồn tại và phát triển”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn bày tỏ.

Tương tự, nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh cho rằng, được sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật là điều hạnh phúc. Cùng với đó, việc trình diễn ở các sân khấu quốc tế, giao lưu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong khu vực và trên thế giới giúp nghệ sĩ trẻ học hỏi, tiến bộ, đồng thời là cơ hội để đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới.

Đánh giá về sự chuyển động của âm nhạc Việt Nam thời gian qua, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, giới âm nhạc đã nỗ lực đầu tư sáng tác, đưa vào đời sống những tác phẩm đa dạng từ âm nhạc dân gian, hàn lâm đến đại chúng, có nội dung hướng đến những giá trị tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu của khán giả nhiều lứa tuổi.

Về thị trường âm nhạc, nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi cho rằng, âm nhạc Việt Nam đã có đời sống vững vàng trong nước và đang có những bước khởi đầu vươn ra thế giới, nhờ những nghệ sĩ trẻ tài năng, hiểu biết, năng động. Tuy nhiên, nhà sáng lập Công ty TNHH Viện Giáo dục nghệ thuật Việt Nam này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ được bản sắc âm nhạc Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới. Cùng với đó, việc giáo dục, đào tạo âm nhạc cho các nghệ sĩ trẻ và công chúng cần được chú trọng để âm nhạc chuyển động theo hướng văn minh, tích cực hơn.

Chị Vũ Thanh Thúy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Âm nhạc có tác dụng chữa lành và đem lại nguồn năng lượng tích cực cho người nghe. Nhu cầu thưởng thức âm nhạc trong nước và trên thế giới hiện nay rất cao, hy vọng các nghệ sĩ tích cực sáng tạo để mang đến những tác phẩm mới, giàu giá trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm nhạc Việt Nam với ước mơ ''cất cánh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.