(HNM) - Thật ra Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chẳng xa là bao. Chỉ gần 2 giờ bay là đã có mặt ở Thủ đô và năm nào tôi cũng vẫn về Hà Nội. Thế mà gần 40 năm qua, không lúc nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ. Nhưng rồi "nhập gia tùy tục" chúng tôi đã hòa nhập, hấp thụ nhịp sống sôi động nơi đây một cách tự nhiên. Và từ đây, trong góc nhìn tinh tế của người Hà Nội, nhiều nét đẹp đến bình dị của người TP Hồ Chí Minh nói riêng và người dân phương Nam nói chung đã khiến chúng tôi thêm gần gũi.
Ông Đỗ Bá Phúc ở phố Triệu Việt Vương, Hà Nội, mới vào TP Hồ Chí Minh sinh sống với con gái vài tháng nay. Một lần đi đường, ông Phúc gặp anh xe ôm đang chờ khách:
- Xin lỗi, chú cho anh hỏi về Nơ Trang Long đi lối nào?
- Chú cứ thẳng đường này rồi quẹo (rẽ) trái, rồi quẹo phải là đến.
- Cảm ơn chú nhiều nhé.
- Dạ, không có gì.
Sự lễ phép, lịch sự, tận tình của người lái xe ôm khiến ông Phúc thốt lên: "Người miền Nam dễ thương thật!".
Ở TP Hồ Chí Minh sôi động, có những nét đẹp bình dị làm ấm lòng người. Ảnh: Thanh Đạm |
Lần khác, vào chợ Trần Hữu Trang mua một bình nấu nước cắm điện, sau khi mặc cả, đã bằng lòng mua, không hiểu có phải vì ông Phúc nói giọng Hà Nội dễ nghe, hay là người xởi lởi, vui tính… mà cô chủ hàng vui vẻ bớt hẳn cho 10.000 đồng. Hỷ hả vì mua được món đồ vừa ý, rẻ hơn trong siêu thị, lại được cô bán hàng cảm tình, ông Phúc lại phát một câu quen thuộc: "Người Nam thật dễ thương!".
Cũng chuyện về tình người, con dâu bạn tôi kể lại, lần ấy con đưa cháu bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Vội vàng, lúng túng xuống taxi là bế cháu vào phòng khám, cô quên mất việc phải trả tiền xe. Ấy vậy mà khi xong việc con trở ra trả tiền, chú lái xe taxi vẫn vui vẻ:
- Thế nào, cháu bé đỡ chưa?
- Cháu đỡ rồi. Cảm ơn chú nhiều lắm!
Cô con dâu bạn tôi còn kể rằng, đã không dưới một lần, cô đi chợ Tân Định (đường Hai Bà Trưng) mua thức ăn, nhiều người bán hàng, từ các sạp trong chợ đến người bán rong vẫn sẵn sàng cho thiếu tiền nếu không đủ. "Dĩ nhiên, hôm sau cháu mang trả đầy đủ. Nhưng công nhận người dân ở đây thật lòng và rất tin người!". Cô gái rút ra kết luận.
Gần nửa thế kỷ sống ở phương Nam, tôi càng nhận ra rằng con người Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, không chỉ vui vẻ, hào sảng, trung thực mà còn rất quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Một lần, trên đường Nguyễn Văn Trỗi, tôi chứng kiến cảnh một em bé ngồi sau xe đạp bị vướng chân vào bánh xe, người mẹ đang lúng túng không biết cách nào gỡ ra thì một sinh viên đi học về, cũng bằng xe đạp, đã dừng ngay lại giúp người mẹ gỡ chân em bé ra khỏi bánh xe. Cùng lúc đó, một người dân khác còn tiến đến thăm hỏi và đưa cho người mẹ chai dầu gió để bôi cho cháu bé.
Ông Trần Chính, ở quận 1, cho biết một lần trên đường đi làm về khuya, do trời tối nên bị ngã xe, ngất xỉu tại chỗ. Đến khi tỉnh, ông đã thấy nhiều người xúm vào thăm hỏi, có chị còn xoa dầu vết thâm. Ông cảm ơn mọi người và ra về với chiếc xe chưa sứt mẻ là mấy, hơn nữa chiếc bóp (ví) có tiền vẫn nguyên xi. "Lúc đó, tôi bị ngất xỉu đến 2-3 phút chứ không ít, vậy mà nhờ các cô, bác tận tình giúp đỡ rất vô tư, nhiệt tình", ông Chính kể lại rồi bảo xin được gửi lời cảm ơn thành tâm đến những người giúp ông mà ông không biết tên ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, quận 1.
Còn tôi, nhiều khi đi đường, bất ngờ được nhiều người, từ em bé đến người lớn tuổi, đi ngang qua hoặc dù đã vượt trước vẫn chạy chậm chờ tới rồi nhắc "Chân chống, chú ơi!". Thì ra vì già rồi, tính lại hay lơ đãng nên khi lên xe đi tôi hay quên hất chân chống lên, mà chân chống quét dưới đường nguy hiểm biết nhường nào.
Ở đâu, lúc nào trong cuộc sống cũng có cái hay cái dở nhưng sự tận tình, hào sảng, giúp đỡ, tin tưởng lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây đã khiến những người xa quê hương như chúng tôi thấy ấm áp lòng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.