(HNM) - Đúng với dự đoán, giao tranh tại chảo lửa Aleppo đã lập tức bùng phát trở lại ngay sau khi lệnh ngừng bắn đơn phương do Nga thực hiện hết hiệu lực vào tối 22-10.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga, trên đường tới Địa Trung Hải. |
Hiện tại, mọi dấu hiệu đều cho thấy Nga sẽ dồn sức ủng hộ quân đội Chính phủ Syria cho trận chiến tại Aleppo. Hai ngày qua, Nga đã điều toàn bộ Hạm đội Biển Bắc và một phần Hạm đội Baltic tới tăng cường cho hoạt động ở Syria. Đây là hoạt động triển khai hải quân quy mô lớn nhất của Mátxcơva kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Cùng với động thái này, Nga sẽ tăng số lượng máy bay ở Syria. Theo các nhà phân tích, trong vòng 2 tuần tới, Aleppo sẽ chứng kiến các đợt tấn công khốc liệt từ quân đội Chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của không lực Nga.
Thực tế, ngay từ đầu, cả Nga và Syria đều xác định rõ, Aleppo là một vị trí chiến lược phải kiểm soát và chiếm giữ nếu không muốn thất thế trên chiến trường. Bởi lẽ đây là thành phố lớn nhất, trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Syria. Đối với chính quyền Damascus, giành lại Aleppo đồng nghĩa với việc có được hành lang bảo đảm an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây - căn cứ địa của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, cộng đồng sắc tộc Alawite. Từ bàn đạp Aleppo, quân đội của ông B.Al-Assad sẽ có điều kiện thuận lợi để mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào Raqqa, “đầu não” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
So sánh tương quan giữa các bên, hiện tại quân đội của Tổng thống B.Al-Assad đang có nhiều lợi thế trên chiến trường nhờ lực lượng không quân hùng hậu xuất phát từ 2 căn cứ quân sự của Nga ngay trên lãnh thổ Syria gồm căn cứ hải quân ở thành phố duyên hải Tartus Tây Bắc Syria và Sân bay Bassel al-Assad ở phía Nam Latakia. Sắp tới, Nga sẽ thành lập một căn cứ quân sự mới ở tỉnh miền Trung Hama, nằm ở điểm giữa hành lang Damascus - Homs. Việc này giúp liên minh Nga - Syria dễ dàng thâm nhập cứ điểm của IS ở phía Đông Syria. Xác định Aleppo là điểm nút quan trọng trong chiến lược đánh bại quân khủng bố và thiết lập lại trật tự trên khắp Syria, trong thời gian qua, nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra với thế giằng co tại đây. Theo bản đồ chiến sự được tiết lộ gần đây, quân đội Chính phủ Syria hiện đang kiểm soát nửa phía Tây Aleppo, IS kiểm soát phần phía Đông thành phố. Một số nhóm phiến quân khác và chi nhánh Al-Qaeda tại Syria là Al-Nusra Front (Mặt trận Al-Nusra) chiếm giữ một vài khu vực phía Tây. Nhiều nhóm vũ trang khác đang dồn về, tập trung cố thủ tại thành phố này vì nếu để quân đội Chính phủ làm chủ được Aleppo, lực lượng nổi dậy sẽ bị cắt đứt toàn bộ mọi liên lạc, nguồn cung cấp tài chính, vũ khí… qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì vậy, Aleppo không chỉ là tâm điểm tranh cãi giữa Nga và phương Tây mà còn được coi là mô hình thu nhỏ của cuộc chiến Syria, một cuộc xung đột phức tạp với sự tham gia của cả lực lượng địa phương, các tay súng của IS và nhiều lực lượng quốc tế. Nếu giành được sự kiểm soát toàn bộ Aleppo, Nga sẽ tạo bước tiến lớn trên chiến trường cho chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad, gây ảnh hưởng lớn tới số phận của các nhóm đối lập được Mỹ và nhiều nước đồng minh hậu thuẫn. Đây là một kịch bản mà phương Tây không hề mong muốn. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Nga thời gian qua dường như không thể làm chùn bước "những cái đầu lạnh" ở Mátxcơva. Nhiều dự đoán cho rằng, trong thời gian tới, nếu không muốn bàn cờ Trung Đông nghiêng về phía Nga, chắc chắn phương Tây phải có những chiến lược quyết liệt, từ đây sẽ đẩy căng thẳng Đông - Tây lên một mức nguy hiểm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.