(HNM) - Vai trò quản lý mờ nhạt, bị động; lúng túng trong việc thực hiện chức năng của đơn vị; lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan chuyên môn ở trung ương là thực tế đang diễn ra trong hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nhiều địa phương.
Ông Hoàng Văn Tân (Phó Cục trưởng Cục SHTT) cho biết, chức năng quản lý SHTT ở địa phương hiện chủ yếu được ghép chung với các lĩnh vực khác như: an toàn bức xạ, thông tin, quản lý công nghệ… Hiện chỉ có 10 sở khoa học và công nghệ (KHCN) có bộ phận chuyên trách quản lý về SHTT. Tuy số cán bộ chuyên trách được bố trí nhiều hơn nhưng tổng số người theo dõi công tác này lại giảm, từ 160 năm 2010 xuống chỉ còn 147 người năm 2011. Ngoài ra, tính từ tháng 7-2010 đến tháng 6-2011, số đơn vị, cá nhân đến Sở KHCN ở các địa phương tham vấn về SHTT rất ít, chưa đến 700 lượt và chủ yếu liên quan đến tư vấn về nhãn hiệu. Số lượng các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được hỗ trợ làm đơn đăng ký bảo hộ SHTT, tiến tới hỗ trợ đưa vào sản xuất chưa nhiều và ở nhiều nơi là hoàn toàn không có…
Các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật cần được bảo hộ, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp và Nhà nước. Ảnh: TTXVN
Vẫn theo Cục SHTT, đến nay, cả nước đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng. Hiện có 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Con số ấy là quá nhỏ nếu biết rằng Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng và nếu công tác SHTT ở địa phương được chú ý hơn nữa thì đã không xảy ra tình trạng chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam bị DN nước ngoài chiếm dụng nhãn hiệu, ví như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột... Nếu công tác thực thi SHTT ở địa phương lấy đây là nhiệm vụ trọng tâm thì đã không phải "thả gà ra đuổi" như vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Phương (Giám đốc Sở KHCN An Giang) cho biết, địa phương này có xấp xỉ 78.000 doanh nghiệp (DN), hộ gia đình có đăng ký kinh doanh nhưng số đơn vị, hộ có đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với sản phẩm, hàng hóa chỉ chiếm 2%. Số đơn vị quan tâm đến SHTT đã ít nhưng số được cấp bằng bảo hộ còn ít hơn, chỉ đạt khoảng 1,3% so với số đăng ký.
Ngay ở Hà Nội, trung tâm kinh tế của cả nước nhưng sự quan tâm đến vấn đề SHTT cũng chưa được chú trọng. Năm 2010, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế với 109 đơn. Số đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp, gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa cũng chỉ có 5.839 đơn, ít hơn rất nhiều so với hàng chục nghìn DN đang đứng chân trên địa bàn.
Thiếu khả thi
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, DN và một bộ phận người dân đã nhận thức được phần nào tầm quan trọng của SHTT. Nhưng nhìn chung, hiểu biết về lĩnh vực này chưa đáng kể. Theo khảo sát gần đây của Cục SHTT tại 500 DN cho thấy: 82% cho rằng vấn đề SHTT có vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, song chỉ có 52% DN có hiểu biết về SHTT; 36% DN không quan tâm đến việc xác lập quyền SHTT; 41% DN gặp khó khăn khi khai thác quyền này. Đáng lưu ý là hiện nay, tỷ lệ các vụ việc vi phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính chiếm đến hơn 90%, các vụ xử tại tòa chưa đến 10% nên tình trạng vi phạm SHTT, chủ yếu là về nhãn hiệu hàng hóa, ở các địa phương vẫn diễn ra gay gắt và thường năm sau nhiều hơn năm trước.
Lý giải nguyên nhân, ông Bùi Đức Thọ (Trưởng phòng SHTT - Sở KHCN Vĩnh Phúc) cho rằng, các văn bản pháp luật về SHTT của nước ta là khá đầy đủ nhưng sự ràng buộc trong quản lý nhà nước chưa thực sự mạnh. Có thể thấy rõ điều này khi quy định không bắt buộc phải đăng ký đối tượng SHTT mới được phép sử dụng nên khó xác định hành vi xâm phạm, trừ trường hợp đối tượng bị xâm phạm đã nổi tiếng trên thị trường từ trước.
Ông Huỳnh Phước (Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng) bổ sung: "Hệ thống văn bản pháp luật về SHTT nằm rải rác ở 9 luật, pháp lệnh nên việc áp dụng gặp không ít khó khăn và không ít quy định thiếu sự thống nhất. Sự phối hợp xử lý vi phạm SHTT giữa tòa án, quản lý thị trường, thanh tra, công an, hải quan, UBND các cấp không phải lúc nào cũng thuận. Trong khi đó, năng lực hỗ trợ DN tra cứu thông tin SHTT phục vụ xác lập quyền bị hạn chế do cơ sở dữ liệu tại các sở KHCN không đầy đủ, không được cập nhật". Hay tại Bình Dương, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 của tỉnh này đang gặp khó khăn do quy định tài chính theo kiểu… mỗi địa phương hiểu một cách. Đó là quy định không rõ ràng, khó "bóc tách" giữa các đề án mà ngân sách bảo đảm 100% kinh phí với các hạng mục mà ngân sách chỉ hỗ trợ từ 50-70%. "UBND tỉnh đã có chỉ đạo nhưng đến nay Sở Tài chính vẫn không có văn bản trả lời" - Phó Giám đốc Sở KHCN Bình Dương Lê Tấn Cường cho biết.
Thực tế nêu trên không phải bây giờ mới được đặt ra mà rõ ràng có dư âm từ nhiều năm trước. "Khoảng trống" này bao giờ được lấp đầy là một thử thách không nhỏ đối với những người tham gia vào "mặt trận" quản lý SHTT hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.