Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai hưởng lợi từ... “chùm khế ngọt” ?

Thái Sơn| 30/03/2012 07:21

(HNM) - Cơ quan chức năng vừa tổ chức hội thảo khoa học


Theo số liệu từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), hiện nay trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và cơ sở hoạt động có diện tích 1,5 tỷ mét vuông với tổng giá trị khoảng 594.000 tỷ đồng và hơn 100.000m2 nhà. Giá trị nhà đất chiếm 97,2% giá trị tài sản của nhà nước, trong đó giá trị đất chiếm 76,2% tổng giá trị tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Riêng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất và ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao...

Cục Quản lý công sản đánh giá, các DNNN chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất, kinh doanh, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thực hiện không đầy đủ (tiền thuê đất thấp). Đặc biệt, các DN cổ phần hóa từ DN 100% vốn nhà nước cũng được kế thừa toàn bộ nhà, đất từ DN cũ. Để xử lý, nhiều DN đã chuyển mục đích, cho thuê lại kiếm lời, cá biệt một số nhà đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống...

Trong dự thảo Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, các phương án thu ngân sách từ đất đai thuộc sở hữu nhà nước đã được đề cập, dù thực hiện theo phương án nào thì dự kiến số tiền thu được cho ngân sách sẽ vào khoảng 4-5 tỷ USD mỗi năm. Và trên thực tế, con số này còn có thể cao hơn.
Tại Hà Nội, theo số liệu nắm được của các cơ quan chức năng, hiện có hơn 1.000 địa điểm nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đang được hơn 800 DN, đơn vị thuê với tổng diện tích gần 190.000m2. Mức giá theo như cung cấp của Sở Tài chính thì chỉ khoảng 100.000 đồng đến 120.000 đồng/m2/tháng. Vậy nên có hàng trăm trường hợp không sử dụng mà tự ý cho thuê lại để hưởng phần chênh lệch. Thời buổi "tấc đất, tấc vàng", nhiều vị trí đắc địa có giá thuê hàng triệu đồng mỗi mét vuông một tháng, với số tiền chênh lệch đó, không cần sản xuất, kinh doanh cũng sinh... "lợi nhuận".

Đến đây có thể đặt ra câu hỏi: Từ trước tới nay, số tiền lên tới hàng tỷ USD đó đi đâu, trong khi nguồn thực thu cho ngân sách từ nhà và đất đai thuộc sở hữu nhà nước lại quá... khiêm tốn? Để có câu trả lời là không dễ. Và cũng chính vì những lý do... tế nhị đó, theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phải hoàn thành trong 5 năm (phải hoàn thành vào năm 2011), nhưng đến nay mới có hơn 60% các đơn vị trình phương án sắp xếp. Và theo nhận xét của Cục Quản lý công sản, các đơn vị được giao đất chưa chú trọng đến lợi ích chung của xã hội mà chủ yếu việc trình phương án của họ là nhằm đối phó với cơ quan chức năng nên hầu hết các đề xuất là không phù hợp và không có tính khả thi.

Đúng là "chùm khế ngọt" có lợi như thế, cá nhân, đơn vị nào dễ dàng từ bỏ?

Tuy nhiên, đã đến lúc phải kiên quyết siết chặt tình trạng này. Không thể để tồn tại việc ngân sách nhà nước thì thất thu; các đơn vị, DN được thuê nhà và đất không phát triển được kinh doanh, sản xuất; trong khi lợi nhuận thu được từ chênh lệch giữa mức giá quy định đã lỗi thời, có từ nhiều năm nay với thực tế tình hình lại không được đưa về ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích chung. Như kiến nghị của Bộ Tài chính cũng như Sở Tài chính Hà Nội, các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ, hiện trạng quản lý, sử dụng nhà và đất thuộc sở hữu nhà nước, kiên quyết thu hồi đối với những trường hợp sử dụng không hiệu quả, đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp lại và điều chỉnh, xác định giá thuê theo đúng với thị trường. Điều đó cũng góp phần làm trong sạch hoạt động, minh bạch tài chính và khả năng cạnh tranh của các đơn vị, DN khi nguồn lợi nhuận tự nhiên mà có như "chùm khế ngọt" hay "bầu sữa mẹ" không còn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai hưởng lợi từ... “chùm khế ngọt” ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.