(HNM) - Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei làm Thủ tướng lâm thời nhưng tình hình Ai Cập vẫn rất căng thẳng...
Cho dù lực lượng quân đội được huy động tối đa nhưng các cuộc biểu tình tại Ai Cập vẫn lan rộng. |
Làn sóng biểu tình của cả hai phe ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất M.Morsi cùng xuống đường để bày tỏ chính kiến những ngày qua đã làm rung chuyển quốc gia Bắc Phi.
Trong một diễn biến mới, ngày 8-7, những người có vũ trang ủng hộ Tổng thống bị phế truất M.Morsi đã bắt giữ 2 binh sĩ sau khi hàng chục người thiệt mạng trong các vụ đụng độ bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tại thủ đô Cairo. Trong khi đó, hơn 250.000 người biểu tình đã kéo về Quảng trường Tahrir và trước Dinh Tổng thống ở quận Heliopolis, để phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như yêu cầu của lực lượng này nhằm phục chức Tổng thống cho ông M.Morsi. Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải, hàng chục nghìn người cũng đã tuần hành từ nhiều địa điểm tới tập trung tại Quảng trường Sidi Gaber phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như thái độ ủng hộ của Mỹ với Tổng thống bị phế truất M.Morsi. Trước đó, từ trưa 7-7, hàng chục nghìn người Hồi giáo ủng hộ ông M.Morsi đã tập trung tại Quảng trường Al-Adawiya Rabaa (ở phía đông Cairo) phản đối cuộc "đảo chính quân sự" và "bảo vệ cuộc cách mạng". Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của "Liên minh dân tộc ủng hộ tính hợp pháp" gồm một số chính đảng và phong trào Hồi giáo, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo và nhóm Hồi giáo có quan điểm cứng rắn Al-Gamaa Al-Islamiya. Trong một tuyên bố, liên minh mới được thành lập này khẳng định ông M.Morsi vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ai Cập và lên án các hành động của lực lượng an ninh đối với các lãnh đạo cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo. Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết, tiếp tục biểu tình trên đường phố cho tới khi ông M.Morsi được phục chức. Xung đột đã nổ ra giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh. Các vụ đụng độ giữa những người biểu tình quá khích đã khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương. Con số thương vong được dự báo không dừng lại khi các cuộc biểu tình vẫn đang lan rộng. Trong một động thái mới, ngày 8-7, Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố sẵn sàng chấp nhận các sáng kiến hòa giải dân tộc với điều kiện Tổng thống bị phế truất M.Morsi quay trở lại nắm quyền điều hành đất nước. Thế nhưng, dư luận cho rằng, điều này là không thể trong bối cảnh hiện nay.
Lo ngại trước làn sóng biểu tình bạo lực leo thang, ngày 8-7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ra tuyên bố lên án mạnh mẽ và yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về các trường hợp bạo loạn dẫn tới thương vong. Cùng ngày, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu (EU) bà Catherine Ashton đã hối thúc các bên tại quốc gia Bắc Phi tránh những hành động có thể khiến tình hình thêm nghiêm trọng và nhanh chóng hướng tới sự hòa giải dân tộc. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain kêu gọi Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ai Cập. Phát biểu tại cuộc họp báo tối 6-7 ở bang Arizona, ông McCain nhấn mạnh, Washington không thể lặp lại những sai lầm từng phạm phải trong lịch sử khi ủng hộ phế truất các chính phủ được bầu chọn thông qua bầu cử tự do; cần phải ngừng viện trợ đến khi nào quân đội Ai Cập đặt ra lịch trình cho bầu cử và Hiến pháp mới...
Xung đột, căng thẳng leo thang từng ngày khiến dư luận lo ngại quốc gia Bắc Phi sẽ chìm vào một cuộc nội chiến sâu rộng. Ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới Merrill Lynch vừa đưa ra dự báo gây sốc rằng, nền kinh tế Ai Cập chỉ còn tồn tại trong 6 tháng. Dẫu vậy, đây vẫn là một khoảng thời gian dài so với những gì đang diễn ra tại Ai Cập. Cuộc khủng hoảng tại đây đã đẩy giá dầu thế giới tăng đột biến. Trong ba phiên giao dịch liên tiếp đầu tháng 7, giá dầu ngọt nhẹ đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong vòng hơn một năm qua. Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8-2013 tăng 1,98 USD, tương đương 2%, lên 103,22 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ ngày 2-5-2012. Như vậy, cuộc khủng hoảng Ai Cập đã vượt biên giới quốc gia Bắc Phi và đang tác động lên nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong cơn khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.