Ai Cập đã thắt chặt phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Hosni Mubarak và các thành viên gia đình ông, cũng như một số cựu Bộ trưởng và quan chức dưới thời ông.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ai Cập Omar El-Sherif ngày 28/2 cho biết, ông Mubarak và các nhân vật nói trên bị cấm ra nước ngoài để chờ tiến hành điều tra.
Trước đó, Trưởng công tố Ai Cập Abdel Magid Mahmud đã yêu cầu phong tỏa các tài sản ở nước ngoài của cựu Tổng thống Mubarak và các thành viên gia đình ông. Pháp đã thông báo ủng hộ đề nghị này của Ai Cập và cho biết sẽ làm việc với các đối tác châu Âu về vấn đề này.
Trước đó, Thụy Sĩ đã phong tỏa tài sản trị giá hàng chục triệu francs Thụy Sĩ của ông Mubarak chỉ vài giờ sau khi ông từ chức. Ngoài ra, nước này cũng phong tỏa tài sản của khoảng 12 nhân vật, trong đó có bốn cựu bộ trưởng dưới thời ông.
Hồi tuần trước, Anh cũng cho biết đang chờ một đề nghị chính thức từ phía Ai Cập trước khi tiến hành phong tỏa tài sản của ông Mubarak và người thân của ông này.
Thông báo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Sherif được đưa ra một ngày sau khi cơ quan công tố Ai Cập cho biết cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly sẽ phải ra hầu tòa từ ngày 5/3 tới vì tội rửa tiền.
Ông Adly đã bị bắt giam hôm 17/2 cùng với cựu Bộ trưởng Du lịch Zoheir Garranah, cựu Bộ trưởng Nhà ở Ahmad al-Maghrabi và tỷ phú Ahmed Ezz. Ông Adly sẽ là quan chức đầu tiên dưới thời ông Mubarak bị đưa ra xét xử.
Trong một diễn biến khác, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề chính trị, ông Lynn Pascoe đã kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Ai Cập nhằm thảo luận các đề xuất về vai trò mà Liên hợp quốc có thể nắm giữ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ai Cập sau khi cựu Tổng thống Mubarak từ chức.
Hiện, ông đã tới Cameroon và sẽ thăm Gabon để dự lễ khai trương Văn phòng Khu vực Trung Phi của Liên hợp quốc (UNOCA) tại thủ đô Libreville của Gabon. Dự kiến, ông Pascoe sẽ tới Cộng hòa Trung Phi để thảo luận về tiến trình xây dựng hòa bình tại nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.