Có mặt tại Ai Cập trong những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được mức độ căng thẳng và khốc liệt của cuộc đối đầu giữa chính quyền của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak va phong trào biểu tình.
Những người biểu tình đốt xe ôtô tại thành phố cảng Alexandria, Ai Cập. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cairo thời chiến
Quang cảnh đường phố trung tâm thủ đô Cairo khiến chúng tôi liên tưởng đến một cuộc chiến tranh đang diễn ra nơi đây. Đường phố thủ đô hoang tàn, khói lửa bốc nghi ngút. Nhiều cơ quan và cửa hàng bị cướp phá xác xơ.
Trên đường phố chốc chốc lại có một đám đông người biểu tình đổ về trung tâm thủ đô Cairo, vừa đi vừa hô khẩu hiệu và giương biểu ngữ chống chính phủ.
Xen kẽ trong dòng người biểu tình là hình ảnh những chiếc xe bọc thép của quân đội và xe cảnh sát bị đốt cháy nham nhở. Lác đác trên phố có những chiếc xe ôtô lao vun vút, trái ngược hẳn với tình trạng tắc đường liên miên trong những ngày bình thường.
Tại các lối vào trung tâm thủ đô, quân đội dựng hàng rào chắn không cho các phương tiện qua lại. Xe tăng và xe bọc thép của quân đội chốt tại các nẻo đường đổ vào quảng trường trung tâm Tahrir của thủ đô Cairo cũng như tại các cơ quan, công sở trọng yếu của chính quyền.
Những nút giao thông không còn thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát, vốn đứng dày đặc trên phố như trước đây. Thay vào đó, rất nhiều thanh niên khu phố địa phương tự nguyện đứng ra phân luồng giao thông.
Hơi thở "chiến tranh" còn phả ra khắp các ngõ ngách tại tất cả các thành phố lớn của Ai Cập. Phố xá vắng lặng khác thường. Trong khi đó, tại các siêu thị và cửa hàng còn mở cửa, người dân đổ xô đến mua vét mọi thứ trên quầy. Hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng tại các quầy bánh mỳ chờ đến lượt mua. Trên nét mặt mọi người lộ rõ vẻ căng thẳng, khẩn trương.
Cuộc sống bị đảo lộn
Cuộc sống của toàn bộ người dân trên đất nước Ai Cập đều bị đảo lộn. Người người sống trong cảnh bất an, nơm nớp lo sợ. Mọi hoạt động xã hội đều bị ngưng trệ.
Có lẽ nơi duy nhất người ta còn làm việc là tại các bệnh viện trung tâm, nơi số bệnh nhân tăng lên từng ngày và luôn trong tình trạng quá tải.
Việc duy nhất người dân có thề làm là ngồi nhà xem truyền hình cập nhật những diễn biến mới nhất về các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và chính quyền ở trung tâm thủ đô Cairo và những thành phố khác.
Tuy nhiên, tin tức khiến mọi người lo lắng nhất không phải là các cuộc biểu tình mà là sự kiện hàng nghìn tù nhân đã thoát khỏi nhiều nhà tù trên cả nước, đang tỏa ra các đường phố. Tình trạng cướp phá phức tạp những ngày qua càng khiến người dân thêm lo sợ.
Thậm chí, bảo tàng quốc gia Ai Cập, nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật quý giá cũng trở thành mục tiêu cướp phá. Quang cảnh bên trong đổ nát, nhiều bức tượng quý bị đập vỡ, xác ướp bị cố ý phá hoại.
Tại các trục giao thông chính và lối vào khu dân cư, người dân tự lập nên các chốt gác để kiểm tra giấy tờ người qua lại. Nếu không chứng minh được là người dân trong khu vực hoặc có lý do hợp lý thì không được phép đi qua.
Người dân ở các khu phố cũng tự lập các đội tự quản, cầm theo súng, gậy gộc, dao, kiếm... nghĩa là mọi thứ có thể làm vũ khí để tự vệ.
Tình hình nghiêm trọng đến mức người dân phải kêu gọi quân đội bảo vệ họ. Trên kênh truyền hình quốc gia, số điện thoại khẩn cấp gọi cho quân đội liên tục được cập nhật. Quân đội cũng đã được tăng cường tại hầu hết các tỉnh, thành ở Ai Cập.
Nơi chúng tôi đặt Văn phòng là một thị trấn nhỏ có tên Sjeikh Zayed, nằm cách trung tâm Cairo khoảng 40km, thường ngày vốn rất yên bình. Nhưng giờ đây cuộc sống cũng bị đảo lộn khi cơn bão bạo động và vô luật pháp tràn qua.
Đồn cảnh sát địa phương bị tấn công và cướp phá. Người dân phải tự đứng ra duy trì trật tự đường phố và bảo vệ tài sản. Trên đường phố, nhất là trong giờ giới nghiêm, chốc chốc những chiếc xe tăng gầm rú qua lại, kéo lê bánh xích trên đường. Ban đêm, những tiếng súng chát chúa lại vang lên khiến mọi người giật mình tỉnh giấc.
Cuộc chiến còn tiếp diễn
Bất chấp lệnh giới nghiêm của quân đội, hàng nghìn người biểu tình vẫn tụ tập tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã bước sang ngày thứ bảy nhưng không có dấu hiệu chấm dứt.
Những người biểu tình do lực lượng đối lập dẫn đầu dựng trại ngủ lại qua đêm ngay tại quảng trường, thể hiện quyết tâm cao. Họ nhất quyết đòi Tổng thống Mubarak từ chức và sớm tổ chức lại các cuộc bầu cử quốc hội.
Phe đối lập đã đề nghị ông Mohamed ElBaradei, Cựu Giám đốc Cơ quan giám sát hạt nhân Liên hợp quốc, làm người đại diện để thương lượng với chính phủ và quân đội. Có mặt tại cuộc biểu tình ở quảng trường ngày 30/1, ông ElBaradei tuyên bố: "Thay đổi sẽ diễn ra trong vài ngày tới."
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mubarak đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với phong trào biểu tình. Quân đội đã tăng thêm quân tiếp viện đến các thành phố. Máy bay trực thăng và máy bay tiêm kích quần đảo trên quảng trường trung tâm thủ đô để thị uy với những người biểu tình.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập ra lệnh tái triển khai lực lượng an ninh và cảnh sát tại các thành phố, trừ quảng trường Tahrir.
Trong khi cả chính quyền Ai Cập và phe biểu tình đều chưa có dấu hiệu lùi bước, người dân chỉ có thể sống trong lo âu và căng thẳng. "Ông/bà phán đoán tình hình còn kéo dài bao lâu?" là câu hỏi mà tôi đã đặt ra với nhiều người dân Ai Cập. Nhưng đến thời điểm này, đáp án chung vẫn là "chỉ có Thánh Allah mới biết được!"./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.