(HNM) - An ninh cho Afghanistan vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Bất chấp Mỹ và các đồng minh phương Tây dồn binh lực, tốn nhiều tiền của vào quốc gia Nam Á này thì bài toán bình ổn vẫn là một thách thức hiện hữu.
3 vụ tấn công dồn dập tại tỉnh Candaha, được xem như "thủ phủ" của phiến quân Taliban ở miền Nam Afghanistan trong ngày 15-4, gây thương vong lớn (gần 50 người chết và bị thương) cho thấy điều đó.
Cảnh sát và các quan chức y tế địa phương cho biết, trong vụ nổ lớn tối 15-4, kẻ đánh bom liều chết đã lao xe ô tô chở bom vào khuôn viên của một công ty bảo vệ tư nhân gây ra vụ nổ đã làm 11 người thiệt mạng. Chiều cùng ngày, phiến quân còn gây ra một vụ nổ tại khu vực Chak-e-Shahidan, được coi là "điểm phát sinh" của phong trào Hồi giáo cực đoan tại tỉnh Candaha làm 6 người dân bị thương. Cùng ngày, tại huyện Takhta Pun cũng thuộc tỉnh này, lực lượng chống đối đã gài bom vào ô tô chở phế liệu quân sự gây ra vụ nổ làm 5 người thiệt mạng. Trước đó 3 ngày, giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân đã nổ ra làm rung chuyển thành phố Candaha. 3 kẻ tấn công liều chết đã xông vào trụ sở Cơ quan an ninh quốc gia (NSD). Vụ đọ súng đã làm 9 người bị thương, hai kẻ tấn công đã bị các lực lượng an ninh tiêu diệt...
Rõ ràng, bất chấp việc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch lớn truy quét Taliban tại tỉnh này vào cuối năm 2010, thì những vụ việc vừa rồi đã là câu trả lời cho những dự định của phương Tây. Dư luận cho rằng, Candaha, tỉnh bất ổn nhất ở Afghanistan, không dễ để bình định. Cùng với địa hình hiểm trở, nơi đây còn là sào huyệt, là thành trì của lực lượng phiến quân Taliban. Chúng trà trộn vào dân thường, lấy người dân làm bình phong cho các hoạt động chống phá. Bởi vậy, bất cứ sự nhầm lẫn nào của lực lượng liên quân cũng để lại những hậu quả nặng nề. Trong một động thái mới, ngày 12-4 khoảng 200 người Afghanistan đã tập trung trên các đường phố ở tỉnh Candaha để bày tỏ phản ứng sau vụ các binh sỹ NATO bắn vào một xe buýt ở ngoại ô thành phố Candaha, làm 4 người thiệt mạng. Hamít Cadai - Tổng thống nước này còn lên tiếng chỉ trích: "Việc nã súng vào một xe chở khách là hành động đi ngược lại cam kết bảo vệ người dân của NATO, và không gì có thể bào chữa được".
Khó khăn là thế, tuy nhiên, ngay trong nội bộ giữa Tổng thống thân phương Tây H.Cadai và giới chức Nhà Trắng thời gian qua đã xuất hiện những rạn nứt, ảnh hưởng tới kế hoạch đổ quân tới Afghanistan của Tổng thống Mỹ B.Obama. Ngày 16-4, nội các về chiến tranh tại Afghanistan của Mỹ, gồm các thành phần là Tổng thống B.Obama, Ngoại trưởng H.Clinton, Đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan và Pakixtan R.Holbruc, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Afghanistan M.Critton, Đại sứ Mỹ tại Cabun C.Ekenberri, đã nhóm họp lần đầu tiên kể từ khi Nhà Trắng có những chỉ trích công khai đối với Tổng thống H.Cadai. Cuộc họp đã cân nhắc khả năng hủy bỏ chuyến thăm Mỹ sắp tới của nhà lãnh đạo H.Cadai nếu như ông này vẫn tiếp tục đưa ra các phát biểu gây rắc rối. Trước đó, Tổng thống H.Cadai đã liên tục đưa ra những tuyên bố cáo buộc phương Tây cố tình phá hoại các cuộc bầu cử ở Afghanistan trong bối cảnh quốc gia Nam Á này chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới. Theo ông Cadai, một số đại sứ quán nước ngoài tìm cách hối lộ các thành viên ủy ban bầu cử để can thiệp vào các cuộc bầu cử tại nước này. Ông này thậm chí còn tuyên bố sẽ gia nhập lực lượng nổi dậy Taliban nếu Mỹ vẫn tiếp tục gây áp lực với ông trong việc thực hiện các cải cách chính phủ.
Trong một diễn biến khác, các cố vấn Mỹ và NATO tại Afghanistan đã cảnh báo Tổng thống H.Cadai không nên vội vã đi đến thỏa thuận với phiến quân và coi đây như một phần của tiến trình hòa giải dân tộc. Họ cho rằng, tiến trình này sẽ phải kéo dài ít nhất 3 năm, do sự phức tạp của các vấn đề và lập trường trái ngược của các bên liên quan. Ông H. Cadai dự kiến bắt đầu thảo luận với các đại diện phiến quân nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc vào ngày 2-5 tới...
Theo các nhà quan sát, hiện tại, với những nỗ lực mà Mỹ và NATO đang muốn triển khai rất khó có khả năng đạt được thành công trong tương lai gần. An ninh cho Afghanistan vẫn bất ổn là điều đã được thấy rõ, thách thức ấy không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.