Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ách tắc mặt bằng, thi công chậm trễ

Tuấn Lương| 02/06/2014 06:53

(HNM) - Theo kế hoạch, dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường phải hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến thời điểm này, công việc vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Một góc trạm bơm Yên Sở. Ảnh: Bảo Lâm


Vướng mắc ở nhiều quận, huyện

Dự án II phải thu hồi khoảng 48ha đất trên địa bàn 8 quận, huyện (do UBND các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng - GPMB) và 263,19ha (gồm 12 hồ, khoảng 24km kênh mương, trạm xử lý nước thải… do Ban Quản lý dự án (QLDA) thoát nước thực hiện). Đến nay, phần do các quận, huyện đảm trách đã GPMB đạt khoảng 80%. Phần vướng mắc còn lại trải trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ. Trong số 642 phương án còn tồn tại có 45 phương án đất nông nghiệp và 597 phương án đất công trình nhà ở. Ngay cả với 38ha đã GPMB cũng trong tình trạng xôi đỗ nên việc triển khai thi công và quản lý chống tái lấn chiếm gặp nhiều khó khăn. Ở phần GPMB do Ban QLDA thoát nước thực hiện (263,19ha), hiện còn 2.261 phương án đất nông nghiệp và công trình nhà ở.

Chậm GPMB khiến cho tiến độ thi công dự án bị ảnh hưởng đáng kể. Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Ban QLDA thoát nước cho biết: Đến nay, mới chỉ có 5/13 gói thầu hoàn thành, bao gồm: Xây dựng trạm bơm Yên Sở và bãi đổ; thiết bị trạm bơm Yên Sở và phụ tùng thay thế; cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển, hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin (dài 12,5km); cải tạo các hồ Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu; gói thầu mua sắm thiết bị vận hành, bảo dưỡng và phụ tùng thay thế. 8 gói thầu còn lại đang thi công, trong đó gói thầu số 3 (cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét) dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2015 với điều kiện phải được bàn giao mặt bằng vào tháng 10-2014. Gói thầu số 5.1 (thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét) dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2015. Gói thầu 6.2 (cải tạo các hồ Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung 1, Khương Trung 2) dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2015 với điều kiện tiến độ bàn giao mặt bằng cuối cùng vào tháng 1-2015. Gói thầu số 6.3 (cải tạo các hồ Hạ Đình, Đầm Chuối) dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Gói thầu số 7 (cải tạo các hồ Linh Đàm và Định Công) dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2015 nhưng hiện còn vướng hơn 4ha mặt bằng…

Có mặt bằng đến đâu thi công đến đó

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị: Tiến độ thi công các hạng mục công trình của Dự án II phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ GPMB, trong khi quỹ thời gian còn lại rất ít. Do đó, sở này đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện tập trung hoàn thành cơ bản việc GPMB trong quý III - 2014 để chi trả tiền, bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, cần có các giải pháp quyết liệt rà soát quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn thành phố để bố trí công tác GPMB; bố trí đủ kinh phí GPMB, dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, trong đó phần các quận thực hiện trên 450 tỷ đồng và Ban QLDA thoát nước Hà Nội thực hiện là 579 tỷ đồng. Sở Xây dựng yêu cầu nhà thầu có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, tiến độ dự án đang rất chậm. Nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, các địa phương phải khẩn trương xác định nguồn gốc đất và thực hiện công khai, minh bạch trên toàn tuyến. Sở Xây dựng ưu tiên bố trí quỹ nhà tái định cư cho các quận đã phê duyệt phương án bồi thường như Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai… Công ty Quản lý nhà (Sở Xây dựng) tạo điều kiện về thủ tục giao nhà, bán nhà cũng như chuẩn bị tốt các mặt điện, nước… cho người dân. Với nguồn vốn còn thiếu, yêu cầu Sở Tài chính, Kho bạc giải ngân sớm. Tới đây thành phố sẽ lập các tổ công tác đi đốc thúc công tác GPMB và thi công.

Tại buổi họp kiểm điểm tiến độ dự án do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì ngày 28-5 vừa qua, đại diện một số quận, huyện cho biết đã chủ động lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân trong diện GPMB. Các địa phương đều quyết tâm hoàn tất công tác GPMB trong năm 2014 này song các phần diện tích còn lại hiện chủ yếu vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất. Như tại quận Hoàng Mai, nhiều hộ dân khu vực hồ Định Công, UBND phường Định Công không còn hồ sơ lưu giữ. Với 360 hộ dân phường Trần Phú, diện tích đất cấp giấy chứng nhận lớn hơn thực tế, giữa các hộ lại không có ranh giới nên UBND phường Trần Phú không thể quy chủ để triển khai GPMB…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ách tắc mặt bằng, thi công chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.