Khi Đức Quốc xã bắt đầu sụp đổ vào năm 1945, các trùm đã bí mật giấu nhẹm nhiều kho tàng châu báu và các món đồ cổ quý giá đã chiếm đoạt trên khắp Châu Âu từ 6 năm trước đó.
Vô số món đồ nghệ thuật và bạc quý giá đã bị Đức Quốc xã (ĐQX) đánh cắp từ người Do Thái khi chúng đẩy họ vào các phòng hơi ngạt; cùng nhiều món đồ tạo tác được cướp khỏi các viện bảo tàng, và hàng tấn vàng… tất cả được giấu tinh vi trong các khu hầm mỏ hoặc bị chìm xuống các đáy hồ nước khi ĐQX bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới thứ II (ĐCTGII), theo bài viết đăng trên tờ The Sun. Khoảng 37 tỷ USD các món đồ cướp bóc vẫn đang bị thất lạc.
Và những cuộc săn lùng kho báu vẫn đang tiếp diễn. Năm 2015, cư dân tại thành phố Walbrzych (Ba Lan) tuyên bố rằng, họ đã tìm thấy bằng chứng về các tuyến đường sắt ngầm bí mật ở đó. Có lời đồn đại rằng Đệ tam ĐQX đã bí mật cho giấu một con tàu lèn chặt vàng và châu báu trong nó.
Khoảng năm 2012, một bộ sưu tập nghệ thuật trị giá 1,8 tỷ USD bị ĐQX đánh cắp, đã được tìm thấy bên trong một căn hộ ở Munich (Đức). Những người săn lùng kho báu vẫn đang tập trung vào các hồ nước nơi có hàng tỷ USD vàng của Ngân hàng Đệ tam ĐQX (Reichsbank) được cho là chôn giấu dưới đáy. Mời bạn đọc cùng khám phá những địa điểm bị nghi ngờ ẩn giấu các kho báu khổng lồ trên lãnh thổ Đức.
Lâu đài Wewelsburg: Kho bạc trị giá 93 triệu USD của Himmler
Trong những ngọn đồi xung quanh tòa lâu đài Wewelsburg (Đông Bắc nước Đức) đang diễn ra nhiều cuộc săn lùng kho báu, nhắm vào một loạt châu báu trị giá tới 93 triệu USD được cho là do lực lượng SS chiếm đoạt.
Trước ĐCTGII, trùm lực lượng SS là Heinrich Himmler đã mang số châu báu này đến tòa lâu đài Wewelsburg và sử dụng số tiền này cho những kế hoạch giết chóc tàn ác của hắn ta. Khi nền Đệ tam ĐQX sụp đổ, Himmler đã bỏ hoang tòa lâu đài Wewelsburg và có nguồn tin là ông ta đã giấu hơn 9.200 chiếc nhẫn bạc trao vào tay các thành viên của SS - hắn ra lệnh cho họ phải trả lại số nhẫn bạc này, giấu vào trong một hang động của tòa lâu đài sau khi họ qua đời.
Ông Konrad Kienast, 44 tuổi, một công nhân công ty khí đốt, nửa tin nửa ngờ cho biết: "Tôi đã cất công tìm kiếm số nhẫn bạc này trong suốt 5 năm. Cái trò này không khác mấy với chuyện chơi xổ số. Một ngày nào đó, thần tài sẽ tìm tới tôi".
Thung lũng Jonas: UFO của Hitler và phòng hổ phách của Sa hoàng
Thung lũng Jonas (miền Trung nước Đức) được cho là một nơi diễn ra nhiều sự vụ kỳ dị. Ngay chính giữa thung lũng này là thành phố nhỏ Ohrdruf, được cho là Tổng hành dinh của Đức quốc trưởng Hitler (S-III Führer HQ).
Những người săn lùng kho báu tin rằng quả bom nguyên tử của Adolf Hitler, căn phòng hổ phách của Sa hoàng Nga đã bị lấy cắp từ chính cung điện bên Nga, nhiều kiệt tác nghệ thuật bị thất lạc và hàng tấn thoi vàng Reichsbank đang được giấu ngay trong một hệ thống đường hầm nằm quanh các dãy núi ở khu thung lũng.
Người Mỹ đã giải phóng Ohrdruf và giới chức Mỹ đã tiến hành phân loại tất cả các tài liệu từ năm 1945 có liên quan đến tuyến đường hầm bí mật này. Trên bề mặt và bên dưới lòng đất ở khu vực này vẫn còn những quả đạn chưa nổ. Người săn lùng kho báu Martin Stade tin rằng Hitler đã chế tạo ra những chiếc đĩa bay UFO trong những boongke tại khu vực thung lũng.
Hồ Walchen: 100 triệu USD vàng
Kho vàng khổng lồ trị giá 100 triệu USD đã được đồn đại rằng đang giấu đâu đó dưới đáy hồ Walchen. Là một trong những hồ nước lớn nhất và sâu nhất trong rặng An-pơ của nước Đức. Hồ Walchen nằm tọa lạc tại một vùng nông thôn gần thành phố Munich. Các cư dân quanh hồ Walchen kể rằng họ có nhìn thấy binh lính quanh bờ hồ vào khoảng tháng 4 năm 1945, chỉ 1 tháng trước khi nền Đệ tam ĐQX sụp đổ.
Các hồ sơ lưu trữ cho thấy trùm SS-Himmler đã ra lệnh chuyển một đoàn xe hạng nặng gồm 3 chiếc xe tải với quân lính hộ tống đã đi ngay trong đêm từ Berlin đến Bavaria vào lúc mà cư dân địa phương nhớ là đã nhìn thấy những người lính này. Quanh hồ tập trung rất nhiều khe núi, và cánh thợ săn kho báu đang đỏ mắt tìm kiếm.
Hồ Luener: 84 triệu USD vàng, châu báu, tem
Luener, một hồ nước khác nằm trong rặng An-pơ, đã không ngớt thu hút những người nhiệt thành tìm đến để săn lùng một kho báu trị giá 84 triệu USD. Số kho báu này gồm vàng và các món châu báu được cho là do lính ĐQX cưỡng đoạt từ tay các nạn nhân trong trại tập trung Dachau (Đức) và giấu đi một thời gian ngắn trước khi trại tập trung này được giải phóng vào đầu năm 1945.
Sau ĐQTGII, gần 1.200 tên ĐQX tội phạm chiến tranh bị bắt tại Dachau khi quân Đồng Minh chống lại chúng và đợi dẫn độ chúng ra tòa án. Bác sĩ Wilhelm Gross được chỉ định chăm sóc cho đám tù binh SS, và ông nhận thấy bọn này đã vô tình lộ ra một số thỏi vàng, châu báu và những con tem quý hiếm. Bác sĩ Gross nói rằng số châu báu này được lấy ra khỏi trại tập trung và được chôn ngay bên hồ Luener, một nơi nằm gần biên giới với Thụy Sỹ.
TS Edward Greger, một sĩ quan tình báo quân đội Mỹ, đã lên kế hoạch về một đợt thám hiểm vào đầu thập niên 1950 nhằm lần ra số châu báu này - được cho là chôn trong một túp lều dưới rặng núi An-pơ - nhưng vào năm 1956, một con đập mới được xây dựng trong vùng khiến cho mực nước dâng cao, và khiến cho đất đai xung quanh bị chìm nghỉm.
Hồ Chiemsee: Cái vạc vàng
Bang Bavaria nằm ở miền Nam nước Đức có một cái hồ nước gọi là hồ Chiemsee từ lâu đã là nơi tìm đến của nhiều tay lặn nhằm mục đích tìm kiếm một cái vạc vàng có từ thời ĐQX, vạc vàng trị giá hơn 560.000 USD.
May thay cái vạc này đã được tìm thấy vào năm 2001, nó nặng hơn 9kg vàng, thân vạc được trang trí bằng các hình họa thần thoại Celtic và ngữ hệ Ấn-Âu, được cho là đã được chế tác bởi một thợ kim hoàn theo lệnh của trùm SS-Himmler. Kể từ khi tìm thấy chiếc vạc vàng, không còn thấy bất kỳ thợ lặn nào tại hồ Chiemsee nữa.
Hồ Toplitz: Hàng tỷ USD vàng Reichsbank
Nằm dọc biên giới nước Áo, hồ Toplitz là một nơi bí ẩn đối với những tay thợ lặn chuyên săn lùng kho báu. Lọt thỏm ngay trong những cánh rừng bạt ngàn của rặng núi An-pơ, đã xảy ra nhiều vụ chết người tại hồ Toplitz trong những năm qua.
Một số nạn nhân là những người đã đuổi theo kho báu trị giá tới 5,6 tỷ USD là các thoi vàng Reichsbank được cho là đã chôn giấu dưới đáy hồ bởi các sĩ quan lực lượng SS.
Vào năm 1959, người ta đã tìm thấy những chiếc thùng chứa tới 134 triệu bảng Anh giả mạo tại hồ Toplitz, số tiền giả này được cho là do Adolf Hitler lập kế hoạch sử dụng chúng để tiêu diệt nền kinh tế Anh; thế nhưng kho vàng huyền thoại vẫn bóng chim tăm cá.
Rặng núi Erzgebirge: Bộ sưu tập tranh vô giá
Những kiệt tác hội họa của các đại danh họa như Monet, Manet và Cezanne, cùng với các tác phẩm điêu khắc và thảm trang trí, được cho là đã được chôn bí mật trong một mỏ bạc cổ xưa nằm gần biên giới Séc-Đức. Những kiệt tác hội họa đã từng tạo nên bộ sưu tập Hatvany, là số tài sản của vị Nam tước Ferenc Hatvany, một ông trùm công nghiệp người Hungary gốc Do Thái, ông cũng là một nhà bảo trợ nghệ thuật nặng ký.
Có khoảng 250 đến 500 món đồ nghệ thuật trong bộ sưu tập Hatvany đã bị cướp theo lệnh của tên trùm Adolft Eichmann (kẻ đã tạo nên sự kiện đại thảm sát người Do Thái) khi hắn ta ở Hungary vào năm 1944.
Sử gia người Viên, ông Burkhart List cho biết ông đã mua lại những tài liệu từ một kho lưu trữ của quân ĐQX trước đây trong đó báo cáo rằng, một chuyến tàu hàng khổng lồ có chở theo bộ sưu tập nghệ thuật Hatvany đến Erzgebirge. Sử gia Burkhart List cũng cho triển khai một cỗ máy phát điện hạt nhân ngay bên trong rặng núi Erzgebirge nhằm tìm kiếm những căn buồng bí mật.
Thiết bị này đã cho thấy có một số căn hầm đang tồn tại ở độ sâu 55m. Chỉ có một khẩu súng máy Schmeisser, mặt nạ phòng độc, máy phát hiện vật liệu nổ, tất cả được dùng cho việc phục hồi kho báu. Thị trưởng Hans-Peter Haustein nhấn mạnh: "Câu hỏi ở đây không phải là thứ mà chúng tôi tìm thấy, mà là khi nào chúng tôi có thể tìm thấy nó".
Carinhall: Kho tranh của Goering
Nằm ở phía Bắc thủ đô Berlin có một nơi gọi là "Chiếc chén thánh" đối với nhiều tay săn lùng kho báu: tàn tích ngôi nhà nghỉ mát mùa hè của viên Phó Quốc trưởng Hermann Goering.
Hắn ta đã hạ lệnh chuyển tất cả những bộ sưu tập kho báu do cưỡng đoạt được về tập trung trong ngôi nhà này, gọi chung là Carinhall, khi Hồng quân Liên Xô tấn công tòa biệt thự này vào tháng 4 năm 1945. Thấy động, Goering đã cho "thổi bay" khu nhà này bao gồm thư viện. Nhưng việc săn lùng kho báu của nền Đệ tam ĐQX đã trở thành một thú vui phổ biến kể từ sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khu vực Carinhall bị niêm phong, cỏ dại và thú hoang mò vào cư trú, sống trong các khu hầm ngầm và hầm rượu - những nơi còn nguyên vẹn, không bị chất nổ của Goering phá hủy. Rất thường xuyên, người ta đã tìm thấy các mảnh gốm và chén sứ mang huy hiệu Luftwaffe trong đống đổ nát. Có 3 bức tượng đã được tìm thấy trong hồ Dollnsee, nơi mà tòa dinh thự Carinhall nhìn xuống.
Hồ Stolpsee: 1,8 tỷ USD vàng và bạch kim
Hàng sọt vàng với trị giá hơn 1,8 tỷ USD đã thu hút không ít tay săn lùng kho báu đổ xô về hồ nước Stolpsee, một nơi nằm gần thủ đô Berlin. Lời đồn đại rằng có khoảng 18 chiếc rương lèn chặt vàng và bạch kim đã được đám lính SS chôn đâu đó trong hồ nước theo lệnh của Hermann Goering, tại một nơi không sâu quá 15m nước.
Năm 1986, lực lượng cảnh sát mật Stasi đã tổ chức một toán thợ lặn xuống hồ Stolpsee nhằm tìm ra số châu báu, bán để mua ngoại tệ cần thiết. Nhưng vụ này bất thành.
Năm 2013, một chuyến thám hiểm hồ Stolpsee do Chính phủ Đức hậu thuẫn cho một nhà nghiên cứu Israel, nhà nghiên cứu này đã dùng sóng siêu âm để định vị vật thể nặng bên dưới mặt nước, song cũng thất bại.
Theo những tài liệu làm chứng thì những nô lệ người Ba Lan đã giúp lính SS chôn vàng, bạch kim xuống sông, và sau khi hoàn tất, các nô lệ đã bị giết chết. Hành trình săn lùng kho báu được khơi dậy bởi một linh mục địa phương, ông Erich Koehler, 79 tuổi, với lời úp mở rằng: "Vàng đang ở đó - những hồn ma đã chôn nó", tờ The Sun đã từng đăng bài về vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.