(HNM) - Chưa đầy 100 ngày sau khi tiến hành cải tổ nội các vào tháng 11-2010, chính trường Pháp lại tiếp tục bị một phen chao đảo vì những trận "bão dữ" đang hoành hành ở Bắc Phi - khu vực vốn được coi là sân sau của chú Gà trống Gaulois.
Làn sóng nổi dậy ở Bắc Phi làm chao đảo chính trường Pháp. |
Như một hành động trấn an dư luận quen thuộc, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại "trảm tướng" và thay thế những vị trí đang là mục tiêu của "mũi dùi" dư luận bằng những nhân vật mới. Trong đợt "thay máu" nội các vừa khởi động vào tuần trước, ông Claude Guéant, đang giữ chức Tổng thư ký Điện Elysée, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, lãnh thổ hải ngoại và nhập cư; ông Gérard Longuet làm Bộ trưởng Quốc phòng. Còn Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux nhận nhiệm vụ mới: Cố vấn Điện Elysée và đảm nhiệm luôn việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Đáng chú ý nhất là ông Alain Juppé rời ghế Bộ trưởng Quốc phòng để tiếp quản ghế Ngoại trưởng từ bà Michaile Alliot Marie - phải từ chức sau chuyến thăm Tunisia đầy tai tiếng ngay trong thời điểm nổ ra Cách mạng hoa nhài.
Từ khi trúng cử Tổng thống (tháng 5-2007) đến nay, đây là lần thứ 7 Tổng thống Nicolas Sarkozy thay đổi các nhân vật trong nội các. Để nữ Bộ trưởng Ngoại giao Michaile Alliot Marie ra đi và đưa cựu Thủ tướng, đồng thời là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alain Juppé vào ghế Ngoại trưởng, Tổng thống Pháp muốn điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của nước Pháp. Hành động này được cho là nhằm lấy lại hình ảnh và uy tín đang bị sứt mẻ nghiêm trọng sau các vụ tai tiếng liên quan đến cá nhân bà Alliot Marie, cũng như việc Paris được cho là phản ứng chậm trước những biến động chính trị ở Tunisia, Ai Cập cũng như ở Bờ Biển Ngà.
Các đảng phái đối lập cho rằng, những gì đang diễn ra tại Lục địa đen thể hiện sự hạn chế trong "tầm nhìn" của nhà lãnh đạo Pháp với châu Phi. Trong lịch sử, Pháp và châu Phi vốn có nhiều ràng buộc, bởi nhiều nước trong khu vực này từng là thuộc địa của Pháp. Ảnh hưởng Pháp có thể nhận thấy ở khắp nơi trên lục địa Phi, nhất là những nước nói tiếng Pháp. Song dường như quỹ đạo Pháp đang ngày càng bị phá vỡ trong khu vực do "nói nhiều, làm ít".
Theo nhật báo "Le Figaro" thân chính phủ, chiến dịch giải cứu nền ngoại giao Pháp vừa được thực hiện là "Chiến lược của Nicolas Sarkozy trước những thách thức đến từ thế giới Arab". Tuy nhiên, tại thời điểm Pháp đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8), trong định hướng hoàn thiện công tác điều hành của chính phủ cánh hữu cầm quyền tiến tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, hành động cải tổ nội các của Tổng thống Sarkozy được xem là cấp thiết và bắt buộc.
Thế nhưng, dư luận Pháp nghi ngờ cuộc cải tổ vừa qua và cho rằng sẽ khó tạo được thay đổi đáng kể để cải thiện tình hình, nhất là trong bối cảnh uy tín của Tổng thống Sarkozy đang bị giảm sút. Kết quả thăm dò dư luận công bố gần đây nhất cho thấy, Tổng thống N.Sarkozy sẽ không thể đạt được số phiếu cao ở vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 và khó có thể giành thắng lợi ở vòng 2 trước đối thủ "nặng ký" là ông Strauss Kahn - Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (thuộc đảng Xã hội Cánh tả) - nhân vật có thể giành được 63% phiếu bầu.
Hai nhân vật hiện được kỳ vọng có thể giúp ông chủ điện Elysée lật lại thế cờ là Thủ tướng Francois Fillon và tân Bộ trưởng Ngoại giao Alain Juppé. Hơn ba năm qua, dù Chính phủ Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng người đứng đầu nội các luôn luôn có chỉ số tín nhiệm cao trong các cuộc thăm dò dư luận; thậm chí chỉ số tín nhiệm của ông Fillon trong các cuộc thăm dò dư luận còn cao hơn của Tổng thống N.Sarkozy rất nhiều. Trong khi đó, sau ba tháng trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông A.Juppé dường như đã khẳng định là "người giỏi nhất trong êkíp cầm quyền" hiện nay ở Paris. Tân Ngoại trưởng Pháp đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đầy khó khăn khi cùng Tổng thống Sarkozy trên bước đường chông gai đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.