(HNM) - Ngày 16-10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã kiểm tra các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Thông tin đáng lưu ý, Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục, mặt hàng xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay các bộ, ngành mới cắt giảm được 1.517 điều kiện; trong 9.926 dòng hàng, mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng. Mới có 7 bộ vượt chỉ tiêu đề ra là: Bộ Công Thương cắt giảm 675/1.216 điều kiện, Bộ Xây dựng (183/215), Bộ Tài nguyên và Môi trường (101/163), Bộ Giáo dục và Đào tạo (121/212), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (60/112), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (172/345), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (63/122).
Còn 2.690 điều kiện kinh doanh đã có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm 14 bộ, ngành. 2.277 điều kiện cần tiếp tục cắt giảm so với mốc thời gian Thủ tướng giao phải hoàn thành (ngày 15-8-2018) đã quá hạn hơn 2 tháng, cần quyết liệt thực hiện.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ chậm, muộn cải cách hành chính có giải pháp khắc phục ngay. Trước mắt, các tồn tại cần xử lý là: Nhiều cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; việc kiểm tra chuyên ngành đang áp dụng với rất nhiều mặt hàng nhưng chưa kết nối thông tin kết quả kiểm tra giữa các cơ quan; tần suất kiểm tra còn cao trong khi tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp (0,06%).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, mới có 53/283 thủ tục đã kết nối cơ chế một cửa ASEAN. Ngoài ra, có thủ tục đã kết nối nhưng khi làm lại tắc, nghẽn... Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là - đưa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đi vào hiệu quả, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và coi đây là vấn đề rất quan trọng tạo dư địa cho tăng trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh việc kiểm tra sẽ được thực hiện thường xuyên, lấy ý kiến các cơ quan chịu tác động; công khai kết quả các bộ làm tốt, chưa tốt. Song song với đó là xem xét vai trò tích cực của các bộ trưởng, vì để cải cách thực sự đòi hỏi quyết tâm rất lớn của người đứng đầu các bộ, ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.