(HNMO) - Thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong tháng 5-2023, hệ thống đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 695 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 39,6% so với tháng 4 và giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ tấn công mạng gây sự cố vào các hệ thống tại Việt Nam được hệ thống giám sát không gian mạng ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý là 4.639 vụ (số vụ tấn công gây sự cố 5 tháng năm 2022 là 5.463 vụ).
Trước đó, tháng 4-2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 498 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 5,1% so với tháng 3-2023 và giảm 46,9% so với tháng 4-2022. Tháng 3-2023, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam gây ra sự cố là 525 cuộc, giảm 68,9% so với tháng 2-2023 và giảm 49,3% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sau 2 tháng liên tiếp có số vụ tấn công gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam giảm, thì đến tháng 5, số vụ lại tăng lên so với tháng kế tiếp trước đó.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, một trong những tồn tại, hạn chế là công tác an toàn, an ninh mạng ở nhiều nơi chưa được bảo đảm. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường giám sát an toàn hệ thống thông tin; chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam; đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết, phòng tránh. Đồng thời, tiếp tục có các văn bản cảnh báo cho các bộ, ngành, địa phương và các thành viên trong mạng lưới ứng cứu sự cố để đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.
Các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số xu hướng mà tin tặc (hacker) chọn tấn công vào các hệ thống thông tin trong nước, như chèn quảng cáo cờ bạc, cá độ vào các website của cơ quan nhà nước và khối giáo dục, thông qua những lỗ hổng cơ bản; chiếm quyền điều khiển máy chủ và chèn code quảng cáo, SEO cho các trang cá độ, cờ bạc. Ngoài ra, hacker còn thực hiện tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để chiếm quyền kiểm soát, đánh cắp dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức…
Vì vậy, các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, quản trị hệ thống cần thường xuyên rà soát từ thiết kế hạ tầng, cấu hình an ninh, quy trình vận hành đến mã nguồn của website, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng. Cùng với đó, cần xây dựng các phương án giám sát 24/24h để phát hiện chủ động và kịp thời ứng phó với các cuộc tấn công mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.