(HNM) - Là một trong những khoa đầu tiên được thành lập của Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, quá trình xây dựng và phát triển của Khoa Lịch sử trong 65 năm qua gắn liền với những bước phát triển của nhà trường và nền giáo dục ĐH Việt Nam.
Tham gia định hướng xây dựng nền sử học
Tháng 10-1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp ở giai đoạn quyết liệt, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ra Nghị định thành lập Trường Sư phạm cao cấp tại Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cùng thời gian này, tại vùng tự do Liên khu IV, Trường Dự bị ĐH được thành lập với 2 phân hiệu ở Thanh Chương (Nghệ An) và Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Phân hiệu ở Thanh Hóa chỉ có một ban, lúc đó gọi là Ban Văn học với 3 chuyên ngành: Văn, sử, địa. Từ cái nôi đầu tiên này, năm 1956, qua quá trình hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ra đời, mà Khoa Lịch sử là một trong những khoa đầu tiên được thành lập.
Các thế hệ giảng viên Khoa Lịch sử. |
Những người đặt nền móng xây dựng Khoa Lịch sử từ những ngày đầu tiên là GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Trần Đức Thảo, GS Phạm Huy Thông, GS Tôn Thất Chiêm Tế. Năm 1958, Khoa Lịch sử hợp nhất với Khoa Ngữ văn thành Khoa Văn - Sử. Năm 1964, Phân khoa Lịch sử lại tách thành một khoa độc lập do thầy Lê Văn Sáu làm Chủ nhiệm.
Giai đoạn này, ngoài công tác giảng dạy, đội ngũ cán bộ của Khoa còn tích cực xây dựng chương trình và biên soạn hệ thống giáo trình phục vụ đào tạo. Các bộ giáo trình lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới lần lượt được xuất bản và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo trình lịch sử ở các trường ĐH, CĐ có bộ môn lịch sử, đặc biệt là hệ thống các trường sư phạm ở miền Bắc. Đội ngũ giảng viên của Khoa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho các cấp lãnh đạo đưa ra những định hướng lớn trong quá trình xây dựng nền sử học và nhiều bộ môn khoa học xã hội. Nhiều vấn đề lớn của lịch sử dân tộc như: Quá trình hình thành dân tộc Việt Nam; kinh tế - xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; thời đại Hùng Vương; khởi nghĩa nông dân; Việt Nam thời thuộc địa; lịch sử chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam, phân kỳ lịch sử dân tộc; chế độ chiếm hữu nô lệ; chế độ ruộng đất ở Việt Nam,... do các cán bộ trong Khoa đề xuất nghiên cứu cũng nhận được sự tham gia của giới sử học trong và ngoài nước. Những nội dung này đã đưa tới quá trình trao đổi học thuật sôi nổi trên Tạp chí Văn - Sử - Địa (sau này là Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử) và Tập san ĐH Sư phạm.
Tháng 8-1964, khi Mỹ gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, rồi sau đó tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, các khoa của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sơ tán về nhiều địa phương, tiếp tục duy trì hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong điều kiện thời chiến. Cũng từ năm 1964, theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều cán bộ, sinh viên của khoa đã lên đường nhập ngũ và nhiều người đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ. Trong thời gian này, quy mô đào tạo của Khoa tiếp tục được mở rộng, hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến phương pháp giảng dạy diễn ra sôi nổi. Thông qua kiến thức được thầy cô truyền đạt đã tạo nên các lớp thanh niên có tinh thần yêu nước, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sinh viên Khoa Lịch sử đã cùng với sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khởi xướng và phát động “phong trào ba sẵn sàng”, lan tỏa nhanh chóng ra khắp Hà Nội và miền Bắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, một số cán bộ của Khoa quê ở miền Nam được điều động về công tác tại các trường ĐH sư phạm địa phương. Nhiều người cũng tham gia thỉnh giảng tại các trường ĐH và CĐ sư phạm phía Nam trong nhiều năm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở này.
Từ năm 1976, nhờ có lớp cán bộ mới được đào tạo chính quy và có trình độ cao, Khoa bắt đầu mở hệ đào tạo sau ĐH và lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh tăng nhanh. Nhiều cán bộ chủ chốt của Khoa còn tích cực tham gia vào công cuộc cải cách giáo dục, đồng thời giúp các nước bạn Lào, Campuchia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách hướng dẫn, tài liệu tham khảo lịch sử,... Khoa cũng đã xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ lịch sử và chương trình đào tạo hệ cử nhân sư phạm lịch sử dùng chung cho các trường ĐH sư phạm.
Đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao
Từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, Khoa đã tổ chức biên soạn, xuất bản một loạt giáo trình và sách chuyên khảo mới, gồm các bộ giáo trình lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, phương pháp luận sử học, lịch sử Đông Nam Á, lịch sử chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XX, lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX… Những bộ sách này đã phục vụ thiết thực cho hoạt động học tập của sinh viên trong Khoa và nhiều trường ĐH, CĐ sư phạm trong cả nước. Cán bộ của Khoa còn tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử ở trường phổ thông.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa cũng chủ trì nhiều đề tài khoa học các cấp, tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2011, cán bộ trong Khoa đã công bố 109 bài trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành, chủ trì và tham gia 38 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp trường. Sản phẩm của nhiều đề tài đã được sử dụng trong đào tạo ĐH, sau ĐH, trở thành những chuyên khảo, giáo trình phục vụ cho đào tạo. Trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và đào tạo, Khoa Lịch sử đã tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu và các trường ĐH trong cả nước, đồng thời đã và đang cộng tác chặt chẽ, có hiệu quả với các trường, các sở GD-ĐT đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Trong 65 năm xây dựng và phát triển, Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đào tạo cho đất nước hàng vạn cử nhân sư phạm lịch sử, thạc sĩ, tiến sĩ sử học. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý của nhiều cơ quan, ban, ngành ở trung ương và các địa phương. Một số cán bộ của Khoa qua các thời kỳ đã được điều động đi xây dựng Khoa Lịch sử của nhiều trường ĐH, CĐ sư phạm trên cả nước. Nhiều người được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế, làm chuyên gia giáo dục tại nước ngoài.
Trong tình hình mới của đất nước và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, Khoa Lịch sử tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giữa khoa học cơ bản với khoa học giáo dục, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu và đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu những kinh nghiệm đào tạo của các nước tiên tiến, vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
* 65 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã đào tạo hàng vạn cử nhân sư phạm lịch sử, hơn 1.300 thạc sĩ và 152 tiến sĩ sử học. * Năm 1996, Khoa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2001, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, bộ môn lịch sử Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Hai cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 20 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.