60 năm đã trôi qua kể từ Tết trồng cây đầu tiên và 50 năm Người đi xa nhưng tinh thần của Người vẫn còn sống mãi, Tết trồng cây sẽ trường tồn với dân tộc Việt Nam.
Ngày 26-11, Khu di tich Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây (1959-2019).
Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Nguyễn Văn Công - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch; Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Hội thảo khoa học tổ chức vào dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2019), thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam.
Cách đây 60 năm, ngày 28-11-1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên Báo Nhân Dân với nhan đề "Tết trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, một lần nữa khẳng định ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng, một hình thức Tết mang nội dung, ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, lâu dài, toàn diện, phục vụ cuộc sống no ấm, hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 60 bài tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ, cán bộ khoa học của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Các bài tham luận đã đề cập nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở, tập trung vào những vấn đề như: Hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa lịch sử của phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng; giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; ý nghĩa thực tiễn của phong trào Tết trồng cây; tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quan điểm sống hòa hợp, cải tạo thiên nhiên để phục vụ lợi ích con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các bài tham luận cũng nêu tình yêu thiên nhiên của Bác qua phong trào Tết trồng cây; tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lời kêu gọi Tết trồng cây; công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian, cảnh quan môi trường, cây xanh trong khu Phủ Chủ tịch; công tác tuyên truyền về phong trào Tết trồng cây, tư tưởng bảo vệ môi trường cũng như tình yêu thiên nhiên của Bác tại Khu di tích Phủ Chủ tịch; nhận thức và hành động qua 60 năm thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây; ngành Lâm nghiệp với phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng .
Qua hội thảo, chúng ta càng có đủ cả cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn để khẳng định, 60 năm qua, lời phát động Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Tết trồng cây theo tư tưởng của Người sẽ mãi mãi là động lực to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái, nhiệt tình, ra sức trồng cây, trồng rừng. Nhớ lời Bác dạy, chúng ta hãy giữ vững và phát huy nét đẹp ấy trở thành một mỹ tục để Tết trồng cây thực sự là ngày hội lớn "làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.