Sáng 29-6, phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế quý II-2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, bên cạnh một số bất lợi, khó khăn trong nước. Thực tế này khẳng định chính sách và điều hành của Chính phủ đạt hiệu quả tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước - chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II-2022 (trong giai đoạn 2020-2024).
Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2023, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ và đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67% so với cùng kỳ. Ngành xây dựng tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 4,8% cùng kỳ năm 2023. Điều đó phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước trong nửa đầu năm 2024 phục hồi rõ nét ở nhiều ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho thu hút và và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội.
Khu vực dịch vụ, xuất khẩu tăng cao, theo xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ-tức cao hơn mức tăng 1,18% và 5,06% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021. Một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,02%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%...
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%). Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).
Theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân .
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.