Kinh tế

Tốc độ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP

Thanh Hà 28/05/2024 - 22:31

Tỷ trọng kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP năm 2023. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước 2-4 lần.

khach-hang-tham-quan-he-sinh-cong-nghe-kien-tao-hanh-phuc-fpt..jpeg
Khách tham quan gian trưng bày các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ảnh: T. Hà

Thông tin cụ thể về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 chiều 28-5, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn cho biết, tỷ trọng đóng góp vào GDP của nền kinh tế số là 16,5% và con số này sẽ tăng lên thành 20% vào năm 2025.

Về cơ cấu, 60% tỷ trọng kinh tế số Việt Nam nằm ở các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) 40% nằm trong kinh tế số ngành, lĩnh vực (năm 2023). Tuy vậy, cơ cấu kinh tế số sẽ có sự chuyển dịch khi tỷ trọng khu vực ICT giảm xuống 20% và kinh tế số ngành, lĩnh vực tăng lên 80% vào năm 2030. Các nhóm ngành đóng góp lớn nhất cho kinh tế số là: Thương mại điện tử; nội dung số; tài chính - ngân hàng.

Giám đốc đầu tư thị trường Đông Nam Á của Temasek, Đào Phương Lan nhận định: “Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế số đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á”. Theo Temasek, quy mô tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ (GMV) của kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 43 tỷ vào năm 2025.

Cũng tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp lớn chia sẻ về kinh nghiệm thực tế triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như phát triển kinh tế số.

Đại diện Tập đoàn Viettel, Trưởng ban kỹ thuật Lê Bá Tân cho biết, năm 2024, Viettel đã hoàn thành Báo cáo thể hiện trách nhiệm về sự phát triển bền vững, tạo giá trị cho khách hàng, đối tác, cộng đồng và hành tinh. Viettel đã đưa ra một số giải pháp cụ thể về hạ tầng trung tâm dữ liệu áp dụng giải pháp hiện đại giảm chỉ số PUE từ 1,6 về 1,4 với các giải pháp như làm mát hiệu quả, sử dụng thiết bị hiệu năng cao và quản lý năng lượng bằng phần mềm. Hoặc với hạ tầng mạng lưới, trong đó mạng 5G có công suất trạm lớn (gần 3.500W), Viettel chủ động yêu cầu nhà cung cấp thiết bị 5G áp dụng triệt để tính năng tiết kiệm điện, hướng tới tiết kiệm 80% điện năng tiêu thụ giờ thấp điểm; xây dựng mạng lưới tự vận hành tối ưu áp dụng thuật toán AI, Big data để tối ưu sử dụng tài nguyên mạng lưới…

ong-nguyen-tuan-anh-giam-doc-tu-van-phat-trien-ben-vung-fpt-digital-cong-ty-thanh-vien-tap-doan-fpt-chia-se-chu-de-mo-hinh-tang-truong-kep-xanh-va-so-trong-doanh-nghiep-.jpeg
Đại diện FPT giới thiệu giải pháp tăng tốc chuyển đổi xanh. Ảnh Vân Anh

Giám đốc Tư vấn phát triển bền vững FPT Digital (Tập đoàn FPT) Nguyễn Tuấn Anh đã tư vấn giải pháp tăng tốc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số cho tổ chức, doanh nghiệp với những điểm mấu chốt để chuyển đổi kép. Cụ thể, doanh nghiệp cần các yếu tố: Lộ trình bài bản; nhận thức của lãnh đạo; tài sản số tạo ra từ chuyển đổi để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn lực con người là trọng yếu quyết định hướng đi dài hạn để chuyển đổi bền vững.

Tập trung nhân lực và tài chính là 2 yêu cầu được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh để các cấp, ngành, doanh nghiệp tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh; khai thác tiềm năng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh.

Đại diện Tập đoàn VNPT, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp số Dương Trọng Hải giới thiệu Hệ sinh thái nông nghiệp số hướng tới chuyển đổi xanh. Hệ sinh thái nông nghiệp VNPT số gồm 3 nội dung: Kinh tế nông nghiệp số, xã hội nông nghiệp số và chính phủ nông nghiệp số. Hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT đã được thực hiện thí điểm với mô hình điểm là Chuỗi giá trị hồ tiêu, sầu riêng mang lại kết quả rất tốt và đang được nhân rộng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tốc độ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.